Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung xử lý vi phạm uống rượu bia khi tham gia giao thông

VGP News| 12/06/2011 15:38

Nếu trước đây khi triển khai Nghị quyết 32/2007/NQ-CP việc lấy mũ bảo hiểm làm điểm nhấn của Nghị quyết để triển khai, thì trong dự thảo Nghị quyết lần này, tập trung vào xử lý các sai phạm lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng

Nếu trước đây khi triển khai Nghị quyết 32/2007/NQ-CP việc lấy mũ bảo hiểm làm điểm nhấn của Nghị quyết để triển khai, thì trong dự thảo Nghị quyết lần này, tập trung vào xử lý các sai phạm lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong thời gian gần đây có biểu hiện diễn biến phức tạp. Trong các tháng đầu năm 2011, số vụ và số người chết tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ năm 2010. PV Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia xung quanh vấn đề này.

Thưa Bộ trưởng, dường như tai nạn giao thông thời gian gần đây diễn biến theo chiều hướng phức tạp và gia tăng, ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Đúng là nếu xét ở con số tuyệt đối cho thấy trong những tháng đầu năm 2011 số vụ và số người thiệt mạng vì giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2010, ùn tắc giao thông còn xảy ra thường xuyên ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và bắt đầu lan sang một số TP khác, đặc biệt là tai nạn thảm khốc, không chỉ riêng đường bộ mà gần đây đã lan sang cả đường thủy, đường sắt.

Còn nếu tính trên số phương tiện và tính trên số đầu người cho thấy con số tai nạn giao thông chưa tăng và có xu hướng giảm .

Hiện nay ở Việt Nam mức bình quân là 13,5 người/ 100.000 dân/ năm, so với các nước đang phát triển và các nước trong khu vực ta đứng ở mức trung bình khá, chúng ta thấp hơn Indonesia, Thái Lan, Malaysia nhưng cao hơn Singapore.

Được biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế gia tăng của vi phạm giao thông, Bộ đang xây dựng một dự thảo Nghị quyết để trình Chính phủ. Vậy điểm mới trong các giải pháp của dự thảo Nghị quyết này là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Nội dung cơ bản của Nghị quyết lần này là tiếp tục chỉ đạo việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại Nghị quyết 32/2007/NQ-CP. Trên cơ sở Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, dự thảo Nghị quyết tới đây sẽ bổ sung thêm một số giải pháp trong điều kiện Luật Giao thông đường bộ sửa đổi mới được Quốc hội ban hành cũng như phù hợp với một số cam kết quốc tế và tình hình mới có phát sinh.

Chúng tôi tập trung bổ sung các giải pháp để kiềm chế và ngăn chặn tai nạn giao thông trong 3 lĩnh vực có nguy cơ gây tai nạn cao trong thời gian qua là đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Đơn cử đường bộ, nếu trước đây khi triển khai Nghị quyết 32/2007/NQ-CP việc lấy mũ bảo hiểm làm điểm nhấn của Nghị quyết để triển khai, thì lần này tập trung vào các sai phạm lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, bởi số vụ chết vì TNGT liên quan đến rượu bia cao, chiếm 15 -17%.

Bên cạnh đó cũng sẽ có các giải pháp liên quan đến một số Bộ. Ví dụ, đối với Bộ Giáo dục và đào tạo, Nghị quyết lần này sẽ có quy định chi tiết hơn về giáo dục an toàn giao thông trong trường học. Đối với. Bộ Y tế là vấn đề chăm sóc cộng đồng, sơ cứu sau tai nạn, điều này thể hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc hưởng ứng thập kỷ an toàn giao thông đường bộ do Liên Hợp Quốc phát động

Về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, sẽ tập trung vào các giải pháp liên quan đến việc mở đường ngang qua đường sắt trái phép.

Có thể thấy, Nghị quyết 32/2007/NQ-CP đã khởi động được bốn năm và kết quả đã kiềm chế cũng như giảm được số vụ vi phạm giao thông ở mức nhất định, tới đây nếu chúng ta không quyết liệt hơn nữa, khả năng vi phạm giao thông có thể tăng trở lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp chúng ta đưa ra nhiều, kể cả biện pháp cứng rắn như thu bằng hoặc xử phạt tiền thật nặng để đánh vào ý thức người tham gia giao thông , nhưng kỳ vọng chúng ta mong muốn dường như vẫn chưa đạt được bởi ở đâu đó vẫn còn hiện tượng các lực lượng thực thi chưa nghiêm, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Trong xây dựng văn hóa giao thông, không chỉ của người tham gia giao thông phải chấp hành mà người thực thi pháp luật cũng cần có văn hóa ứng xử .

Phải ghi nhận lực lượng thực thi như lực lượng cảnh sát giao thông đã rất tích cực trong việc hạn chế vi phạm giao thông. Bản thân các lực lượng đó cũng đưa ra nhiều quy định nhằm lành mạnh đội ngũ. Cùng với việc tới đây UBATGT sẽ phối hợp tích cực hơn nữa với các lực lượng thực thi, tôi cho rằng, việc tạo lập ý thức giao thông cho người dân là vấn đề chúng ta phải kiên trì, không chỉ một hai năm mà có thể là cả một thế hệ.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung xử lý vi phạm uống rượu bia khi tham gia giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.