(HNM) - Những năm qua, việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức vẫn còn mang tính hình thức, chưa phản ánh đúng thực tế. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã mở rộng đối tượng phải kê khai, xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách kiểm soát với nhiều quyền hạn để ngăn chặn việc kê khai gian dối.
Mở rộng đối tượng kê khai
- Thưa ông, vì sao Thanh tra Chính phủ lại đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị?
- Từ năm 1998, chúng ta đã thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức để phòng, chống tham nhũng. Song thực tế, hiệu quả của biện pháp này rất hạn chế. Năm nào cũng có hơn 99% người kê khai đúng thời hạn, yêu cầu, nhưng không tìm ra điều gì bất thường. Vì vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã có tới 1/4 số điều, khoản liên quan tới kiểm soát tài sản, thu nhập với nhiều nội dung mới cần được quy định chi tiết. Tất cả cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đều có người được đưa vào diện kiểm soát tài sản, thu nhập.
Tuy nhiên, khi thực hiện biện pháp này, chúng ta cần tính toán, cân nhắc đến cả hai yếu tố, một mặt để kiểm soát phòng ngừa tham nhũng, mặt khác không làm ảnh hưởng đến sự an toàn và quyền của người có tài sản, vốn là vấn đề đụng chạm tới quyền cá nhân. Đây là lý do dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cần phải tham khảo ý kiến rộng rãi.
- Ông vừa nói đến đề xuất mở rộng đối tượng phải kiểm soát tài sản thu nhập. Vậy hiện nay, việc đó đang được thực hiện như thế nào và sẽ sửa đổi ra sao?
- Trước đây, pháp luật chỉ quy định những trường hợp phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm, gồm một số cán bộ cấp xã và cán bộ từ phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên. Nay dự thảo nghị định sửa đổi theo hướng phân biệt hai nhóm kê khai lần đầu và hằng năm. Tất cả cán bộ, công chức (gồm những người mới được tuyển dụng), sĩ quan quân đội, công an và người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập đều phải kê khai. Đây là nhóm kê khai lần đầu.
Diện phải kê khai hằng năm thu hẹp để kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm hơn, gồm những người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên và tương đương, 13 ngạch công chức, như: Điều tra viên, thẩm phán, thanh tra viên, kiểm tra viên ngành Thuế, Hải quan… Ngoài ra là gần 90 vị trí lãnh đạo từ phó trưởng phòng trở lên làm việc trong một số lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ và cơ hội tham nhũng cao như: Tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức; quản lý các đối tượng nộp thuế; kiểm hàng hóa xuất, nhập khẩu hay cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng.
- Dự thảo nghị định bổ sung nhiều loại tài sản phải kê khai, trong đó có cả đồ thờ cúng, đồ treo tường, tranh ảnh có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Đâu là cơ sở để Thanh tra Chính phủ đưa ra đề xuất này?
- Pháp luật là phải phản ánh thực tiễn cuộc sống, việc kê khai tài sản cũng thế. Một số loại tài sản kể trên trước kia có thể chưa có giá trị hoặc chỉ mang ý nghĩa tượng trưng nhưng hiện nay đôi khi mang giá trị rất lớn, nên cần kê khai để bảo đảm khách quan, phù hợp thực tiễn.
- Thực tế, có nhiều trường hợp quan chức tẩu tán tài sản hoặc chuyển giao tài sản cho người thân, người quen. Dự thảo mới có tính đến yếu tố này không?
- Việc tẩu tán tài sản của quan chức khi có dấu hiệu vi phạm là có. Nhưng quan niệm về tài sản tham nhũng hiện đã khác. Trước đây, tài sản tham nhũng là tài sản của người có hành vi tham nhũng, nay pháp luật đã quy định thực tế hơn, cho phép mở rộng khả năng thu hồi tài sản, nên tài sản không mang tên quan chức mà mang tên bố, mẹ, vợ, con họ nhưng có nguồn gốc từ tham nhũng, dù đã được chuyển dịch vẫn bị thu hồi.
Ngay cả việc kiểm soát tài sản, thu nhập, kể cả tài sản ở nước ngoài, vẫn có thể kiểm soát được vì chúng ta đã tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Các nước thành viên Công ước sẽ hỗ trợ nhau bằng cách chia sẻ thông tin, hỗ trợ xác minh và thu hồi tài sản. Nhưng quy định mới này dù cố gắng đến đâu cũng chỉ giải quyết được phần nào đó, còn phần rộng hơn là quản trị nhà nước.
Tôi cho rằng, nếu chỉ quản lý được tài sản của những người có quyền hạn là chưa đủ. Về lâu dài cần tiến tới quản lý tài sản toàn dân làm cơ sở cho việc kiểm soát đồng bộ, cần thiết có sự đối chứng... Cùng với đó, phải hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, chuyển sang giao dịch bằng chuyển khoản điện tử.
Phạt nặng những trường hợp kê khai gian dối
- Như ông phân tích, bên cạnh chế tài nghiêm khắc với những người không trung thực thì có thể hiểu, việc kê khai vẫn chủ yếu phụ thuộc vào sự tự giác của người kê khai. Liệu có giải pháp gì buộc họ kê khai đúng?
- Về lâu dài, bản kê khai có thể được công khai ở địa phương nơi cư trú của người kê khai để người dân tiện giám sát. Nhưng trước mắt, để phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng quản lý thì chỉ công khai tại nơi làm việc và chúng tôi khuyến khích người kê khai tự giác kê khai. Đồng thời, xây dựng cơ chế để các cơ quan nhà nước có thể kiểm soát, xác minh, phạt nặng những trường hợp kê khai gian dối.
Đơn cử, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì tùy mức độ sẽ bị xử lý cảnh cáo, miễn nhiệm. Trường hợp có hành vi cản trở cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, tẩu tán tài sản sẽ đối mặt với việc cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm. Ngay cả người chậm nộp bản kê khai tài sản, thu nhập trên 45 ngày mà không có lý do chính đáng sẽ bị buộc thôi việc. Điều này thể hiện thái độ rất kiên quyết trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
- Việc mở rộng đối tượng kê khai, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm là thực hiện theo đúng định hướng của Đảng. Thế nhưng, dư luận cũng cho rằng, song song đó phải làm thế nào để tăng cường việc giám sát, kiểm tra thì mới hiệu quả, thưa ông?
- Đúng là quy định hiện hành về thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập có thể dẫn đến thiếu khách quan trong xác minh. Bởi thông thường, việc xác minh do chính các cơ quan quản lý cán bộ đó tiến hành. Người trong cùng một “nhà” thì dễ xuê xoa, “đóng cửa bảo nhau”. Thứ nữa, với cơ chế pháp luật hiện hành, việc xác minh cần phải có nhiều điều kiện và khá phức tạp. Nhưng với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và dự thảo nghị định chúng tôi đang xây dựng, sẽ có hàng chục cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập một cách chuyên nghiệp hơn, có trách nhiệm đọc tất cả các bản kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và theo dõi quá trình biến động tài sản từ nguồn tiền ở các ngân hàng, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đến đất đai, xe cộ, tàu thuyền và cơ quan này có quyền chủ động xác minh.
Để làm được, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu các đơn vị khác cung cấp thông tin và có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức đình chỉ giao dịch, phong tỏa tài khoản. Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập từ cấp giám đốc sở trở lên, còn cấp dưới giao cho thanh tra tỉnh, ngoài ra là các cơ quan khác của Đảng, Quốc hội, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân...
- Xác minh ngẫu nhiên là một biện pháp mới, vậy quy trình kiểm soát tài sản sẽ diễn ra như thế nào?
- Bản kê khai có thể được xác minh ngẫu nhiên hằng năm. Số người được lựa chọn xác minh ngẫu nhiên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập nhưng cũng phải tính toán sao có sự công bằng và toàn diện. Chẳng hạn, cố gắng ít nhất là 2 người tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh theo kế hoạch, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu. Hoặc trên một địa bàn thì cũng có đại diện của các cơ quan như khối nội chính, khối văn xã, khối kinh tế…
- Ông có cho rằng, ngoài chọn ngẫu nhiên, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức qua phát hiện của người dân và báo chí cũng là kênh quan trọng?
- Việc kiểm soát tài sản quan chức phải thực hiện nhiều chiều, từ cơ quan chuyên trách, cơ quan công quyền và từ chính nhân dân, báo chí. Trong trường hợp này, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác được quyền lập tổ công tác xác minh nếu có chứng cứ, thậm chí không nhất thiết phải có đề nghị, yêu cầu hay được sự đồng ý của cơ quan nào khác.
- Dự thảo nghị định này dự kiến bao giờ ban hành và qua đây, Thanh tra Chính phủ muốn truyền đi thông điệp gì?
- Hiện toàn văn dự thảo đã được đăng tải công khai và chúng tôi đang lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước về những dự kiến được đưa ra. Sau đó, dự thảo sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất có thể. Tôi muốn nhấn mạnh, tất cả những biện pháp đưa ra nhằm làm tốt nhiệm vụ phòng ngừa là chính, nhưng nếu phát hiện trường hợp nào sẽ xử lý nghiêm, bảo đảm hiệu quả và tính răn đe.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.