(HNM) - Tiến độ triển khai một số dự án ODA hiện rất chậm, trong khi thời hạn giải ngân theo hiệp định vay vốn với các tổ chức quốc tế đã sắp hết...
Các dự án phát triển giao thông đô thị chậm tiến độ góp phần gây ùn tắc giao thông.Ảnh: Như Ý
Tiến độ nhiều dự án: Quá chậm
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, năm 2011 Hà Nội triển khai 20 dự án ODA với tổng nguồn vốn được giao theo kế hoạch là 769,9 tỷ đồng. Trong 6 tháng qua, khối lượng đã giải ngân của các dự án là trên 1.264 tỷ đồng (đạt xấp xỉ 165% kế hoạch). Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án trọng điểm đang bị chậm tiến độ, thậm chí rất chậm. Bà Nguyễn Minh Thuần, Trưởng phòng Hợp tác và tài trợ quốc tế (Sở KH&ĐT) cho biết: Các dự án "rùa" điển hình phải kể tới dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Thời gian kết thúc dự án theo hiệp định là năm 2013 nhưng đến nay, một số hạng mục chưa xong đấu thầu nên chưa thể khởi công. Dự kiến quý III-2011, Sở GTVT mới có thể khởi công xây dựng đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Xuân La. Với đoạn Xuân La - Bưởi và đoạn nút giao thông Bưởi - Cầu Giấy, theo kế hoạch phải tới quý III và quý IV-2011 mới phê duyệt xong hồ sơ thẩm định. Riêng hạng mục tuyến xe buýt nhanh (BRT) của dự án này, dự kiến tới quý III-2011 mới tuyển chọn xong đơn vị tư vấn (đoạn Kim Mã - Khuất Duy Tiến) và cuối năm 2011 đấu thầu đoạn Khuất Duy Tiến - bến xe Yên Nghĩa…
Với dự án phát triển cấp nước đô thị Việt Nam (vay vốn của Ngân hàng Thế giới, hiệp định tín dụng sẽ kết thúc vào ngày 30-6-2012), xây dựng mạng lưới đường ống và 3 trạm cấp nước tại huyện Phú Xuyên, Đan Phượng và Hoài Đức. Chủ đầu tư dù đã rất nỗ lực, song đến nay việc GPMB, thu hồi đất để xây dựng trạm cấp nước vẫn đang ách tắc…
Một số dự án khác đang chậm tiến độ như dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội giai đoạn I, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội, dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo…
Tại chủ đầu tư và tại cả nhà thầu
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của nhiều dự án, các chủ đầu tư giải thích một phần do vướng mắc trong khâu GPMB. Đại diện Công ty Cấp nước Hà Đông cho biết, riêng trạm cấp nước ở Hoài Đức, do địa điểm để xây dựng nằm trong Khu đô thị phía Nam đường 32 thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô quản lý. Công ty Cấp nước Hà Đông đã nhiều lần liên hệ với Công ty Lũng Lô nhưng không nhận được sự hợp tác. Với dự án GPMB khu đề-pô và đường dẫn vào khu đề-pô của tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội, theo Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư, tại đây phải bố trí tái định cư bằng đất cho khoảng 50 hộ dân. Huyện đã báo cáo TP và UBND TP Hà Nội đã giao cho các ngành liên quan trước ngày 20-7-2011 phải giải quyết nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được văn bản trả lời giới thiệu địa điểm. Do không có quỹ đất tái định cư nên huyện không thể phê duyệt được phương án GPMB. Ngoài ra, với những khu đất đã hoàn thành GPMB nên bắt tay thi công ngay. Thu hồi rồi lại bỏ không sẽ gây bức xúc cho dân.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Đức Vũ đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung triển khai dự án. Thời hạn của hiệp định vay vốn đã sắp hết nhưng với tiến độ quá chậm như hiện nay, hậu quả sẽ rất lớn, đặc biệt là với dự án "siêu" chậm là phát triển giao thông đô thị Hà Nội.
Không bằng lòng với tiến độ một số dự án ODA, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi yêu cầu từng sở, ngành, chủ đầu tư tập trung xem xét các vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Với khu đề-pô tại huyện Từ Liêm, ngay trong vài ba ngày tới, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải có văn bản giới thiệu địa điểm khu tái định cư, tạo điều kiện cho UBND huyện Từ Liêm phê duyệt phương án GPMB. Với dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Sở GTVT phải đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư của toàn bộ dự án; khẩn trương tổ chức đấu thầu, chấm thầu và khởi công xây dựng đường Vành đai 2. Riêng với dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội, chủ đầu tư cần yêu cầu nhà thầu Vinaconex đẩy nhanh tiến độ thi công phần hạ tầng kỹ thuật. Nếu nhà thầu vẫn tiếp tục chậm thì lập biên bản và thay thế nhà thầu khác, tránh tình trạng chủ đầu tư bị động và phụ thuộc vào nhà thầu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.