(HNM) - Tập trung đầu tư công nghệ sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến là một trong những giải pháp hướng tới nhiều mục tiêu. Trong đó, cụ thể nhất là sẽ giải quyết được tình trạng nông sản ùn ứ do những khó khăn từ đối tác nhập khẩu; nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Giảm áp lực vào vụ thu hoạch
Bộ NN&PTNT đang triển khai nhiều giải pháp kết nối với doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến tại các vùng nguyên liệu nhằm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch và tránh rủi ro từ thị trường.
Giám đốc Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà (tỉnh Bình Thuận) Lê Thị Nguyên Hà cho biết, công ty đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với 4 hợp tác xã trồng thanh long có tổng diện tích gần 100ha. Được sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất thanh long sấy dẻo với công nghệ tiên tiến, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Đông; nhờ vậy duy trì được các hợp đồng thu mua đúng cam kết với nông dân.
Còn Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh thông tin, công ty đã đầu tư dây chuyền giết mổ, chế biến thịt lợn với công suất 600-1.000 con/ca. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty vẫn thu mua lợn để giết mổ trữ cấp đông và chuyển sang chế biến giò chả, thịt hun khói... qua đó đa dạng hóa sản phẩm bán ra thị trường.
Đánh giá về công nghiệp chế biến nông sản sau thu hoạch thời gian qua, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với hơn 7.500 doanh nghiệp có năng lực chế biến trên 120 triệu tấn nông sản mỗi năm… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện chưa tương xứng với tiềm năng; công nghệ chế biến nông sản nhìn chung chưa cao, chỉ đạt mức trung bình. Mặt khác, sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao tỷ lệ còn thấp (10-40% tùy ngành hàng), sản phẩm chế biến chưa phong phú; tổn thất sau thu hoạch vẫn cao (khoảng 10-20% tùy theo ngành hàng).
Nâng cao năng lực chế biến
Thực tế cho thấy, để giải “bài toán” áp lực về tiêu thụ nông sản khi vào chính vụ thu hoạch thì việc đầu tư công nghệ bảo quản, phát triển công nghiệp chế biến là giải pháp căn cơ và bền vững nhất. Do vậy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến Nam Hà Nội Võ Việt Dũng đề xuất, các cơ quan chức năng cần tham mưu cho thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn vay với lãi suất ưu đãi và tạo điều kiện về thuê đất để các doanh nghiệp xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, đến năm 2025, tỉnh này phấn đấu xây dựng và đưa vào sản xuất ít nhất 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp và mỗi huyện có ít nhất 1 cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản sau thu hoạch... Thời gian tới, Sơn La sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp chế biến để gia tăng giá trị nông sản. Cùng với đó là phát triển các cơ sở chế biến tập trung quy mô công nghiệp với một số ngành hàng hiện có tỷ lệ chế biến thấp như: Sắn, cà phê, nhãn, chanh leo, xoài, chuối và các loại rau củ khác.
Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để giảm tổn thất cho các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển hợp tác xã trong vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp chế biến với hộ nông dân, tạo thành chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Công ty cổ phần Cánh Đồng Vàng Lạng Sơn, nhanh chóng đưa 200 hệ thống bảo quản và sấy nông sản đa năng CĐV-ECO xuống các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng vải tỉnh Bắc Giang, vùng nhãn và xoài của tỉnh Sơn La, vùng trồng cà rốt của tỉnh Hải Dương, vùng trồng khoai của tỉnh Long An… để tăng cường năng lực sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch, qua đó giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm chính vụ cho các vùng nguyên liệu.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp nghiên cứu, xây dựng bộ Tiêu chí đánh giá năng lực chế biến nông sản; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực chế biến nông sản, đặc biệt đối với các cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ, các hợp tác xã chế biến nông sản.
Mặt khác, cùng với việc triển khai hệ thống giải pháp giải quyết các “nút thắt” để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình khoa học, công nghệ phục vụ chế biến nông sản giai đoạn 2021-2030 nhằm đa dạng hóa các mặt hàng nông sản chế biến, nâng tầm giá trị sản phẩm, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.