(HNMO) - Dồn sức cho khôi phục sản xuất, vệ sinh môi trường, nhà cửa nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân vùng ngập lụt đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng chú trọng hàng đầu…
*Từ ngày 18-7 đến 3-8, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã huy động hơn 8.000 lượt bộ đội, hơn 1 vạn dân quân tự vệ, gần 300 phương tiện các loại giúp 3 huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức… ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Hiện nay đang túc trực tại huyện Chương Mỹ gồm 4 xuồng máy để đưa lương thực, thực phẩm, nước uống vào cho các hộ dân bị ngập sâu. Quân y và các lực lượng của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đang phối hợp với các địa phương để sẵn sàng xử lý môi trường…
*Trong sáng nay, 4-8, huyện Chương Mỹ chỉ đạo Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ vận hành toàn bộ trạm bơm để tiêu úng, giảm ngập lụt khu dân cư. Các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với công ty môi trường tổ chức vớt rác, thu gom vận chuyển rác thải, phun thuốc khử trùng phòng dịch bệnh; tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ bảo đảm các hộ dân phải sơ tán, các hộ dân thuộc khu vực bị nước ngập chia cắt, các hộ chính sách, hộ khó khăn có đủ lương thực, thực phẩm, nước uống và các vật dụng cần thiết phục vụ đời sống… Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức các đoàn công tác khám, chữa bệnh cho 1.896 người; cấp phát 15.200 lọ thuốc chữa bệnh đau mắt, 8.800 tuýp thuốc chữa bệnh ngoài da, 8.480 túi xử lý nước sinh hoạt…
*Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tuần tra, kiểm tra hệ thống đê điều, cống dưới đê, các công trình thủy lợi 24/24h để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố xảy ra. Đối với những khu vực bị ngập, khi nước rút, các địa phương và đơn vị chức năng phải thực hiện nghiêm các phương án vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe của nhân dân như phun phòng dịch, khử trùng, tiêu độc... Đối với tuyến đê tả Tích và cống dưới đê được hoành triệt tốt để không xảy ra sự cố. Huyện cũng huy động toàn bộ lực lượng canh đê của các xã ven sông Tích, sông Đáy trực 24/24h để kiểm tra, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quốc Oai tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng và xã, thị trấn khẩn trương khắc phục, phục hồi sản xuất, tổng vệ sinh môi trường các khu dân cư, trường học, trạm y tế… khi nước rút; quan tâm, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khắc phục hậu quả mưa, lũ. UBND huyện giao Phòng Kinh tế, Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn nông dân biện pháp chăm sóc cây trồng đối với diện tích sau ngập úng; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, vệ sinh môi trường ở những khu trang trại, khu chăn nuôi tập trung... Các đơn vị chức năng chỉ đạo nhân viên kỹ thuật tại cơ sở xã trực tiếp đến vùng ngập úng, các trang trại để hỗ trợ nhân dân...
*Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng khẳng định, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện và các xã đang tiếp tục ứng trực 24/24h để theo dõi sát diễn biến của thời tiết và kịp thời chỉ đạo. Các xã, thị trấn, Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Mỹ Đức tiếp tục vận hành các trạm bơm để tiêu úng cho diện tích trong vùng; đồng thời, huyện và các xã thành lập các đoàn kiểm tra thực tế, chỉ đạo xử lý môi trường, sớm khôi phục lại sản xuất.
*Mặc dù mực nước trên các sông Hồng, sông Nhuệ đã rút, tuy nhiên, huyện Thường Tín vẫn chỉ đạo các ngành chuyên môn của UBND huyện đã bố trí lực lượng thường trực 24/24h để kịp thời xử lý các tình huống. Đặc biệt, UBND các xã ven sông Hồng, sông Nhuệ theo dõi sát diễn biến của mực nước trên sông, xây dựng các phương án khi mực nước sông dâng cao; đồng thời, bố trí lực lượng thường trực tại các điểm xung yếu, các điểm có vị trí sạt trượt, thường xuyên báo báo tình hình về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện.
*Hiện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Phú Xuyên tiếp tục phân công ứng trực 24/24h, bám sát diễn biến thời tiết để báo cáo và có chỉ đạo kịp thời; chỉ đạo người dân vệ sinh môi trường, đặc biệt là đồng ruộng, sau đó tiến hành khôi phục sản xuất. Đối với diện tích trồng ngô bị thiệt hại hoàn toàn sẽ chỉ đạo người dân tiếp tục gieo trồng các giống ngô ngắn ngày; cùng với đó đưa các loại cây rau màu phù hợp vào sản xuất để giúp người dân ổn định thu nhập.
*Để chủ động ứng phó với thiên tai, mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã: Đối với cây lúa, huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông dòng chảy, nếu cần phải sử dụng các máy bơm để thoát nước nhanh; phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương thống kê diện tích bị thiệt hại để Sở tổng hợp báo cáo thành phố. Đồng thời trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT sẽ cùng với địa phương xây dựng các phương án khôi phục lại sản xuất. Cụ thể, đối với những vùng trũng trồng lúa ngập nước kéo dài trên 4 ngày không có khả năng khôi phục, Sở đề nghị các địa phương khẩn trương bừa san lại ruộng, rút cạn nước, tranh thủ cấy ngay khi còn trong khung thời vụ (xong trước 5-8); đối với diện tích cây ăn quả bị ngập, cần nhanh thoát nước trong vườn, đặc biệt với những vườn đất thấp, chuyển đổi từ đất lúa, giúp rễ mau thông thoáng, cắt bỏ những cành gãy và cành bị tổn thương nặng do gió bão; xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (sâu 5-10cm) để phá váng khi đất đã se mặt, giúp đất được thông thoáng; cung cấp các dưỡng chất qua lá để tăng cường khả năng hồi phục của cây. Riêng đối với cây nhãn sắp cho thu hoạch, Sở NN&PTNT lưu ý, các địa phương không nên bón phân, việc chăm sóc sẽ thực hiện ngay sau khi thu hoạch quả để giúp cây nhanh phục hồi; với những cây thu hoạch muộn có thể bón phân đúng liều để kích thích cây hồi phục, mọc rễ mới, việc này thực hiện khi đất se mặt…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.