Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Xây dựng Hà Nội trong năm 2024.
Sáng 15-1, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, dự và phát biểu chỉ đạo.
Tổng kết năm 2023, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh nêu, tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch khu vực đô thị đạt 100%, ở khu vực nông thôn đạt 90% (đạt kế hoạch đề ra) và nước thải đô thị được xử lý đạt 30,9% (vượt kế hoạch đã đề ra là 28,8%).
Năm 2023, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 28,6m2 sàn/người, vượt kế hoạch đã đề ra (28,2m2 sàn/người).
Chỉnh trang đô thị đạt được nhiều kết quả tích cực như việc cải tạo các công viên, vườn hoa được triển khai đồng bộ. Trong đó, Sở đã tham mưu để UBND, HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp 3 công viên Bách Thảo, Thống Nhất và Thủ Lệ; tạo không gian mở tại công viên Thống Nhất kết hợp với tuyến phố đi bộ tại phố Trần Nhân Tông cùng với việc mở rộng các không gian tuyến phố đi bộ khác...
Một số tồn tại như chưa hoàn thành một số nhiệm vụ được UBND thành phố giao liên quan đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, hệ số K bồi thường; tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư; quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước; quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954…
Từ nhận diện rõ những hạn chế, tồn tại, nhiệm vụ hàng đầu năm 2024 là tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Sở cũng tập trung bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư; quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng có hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị, Sở tiếp tục tích cực tham gia cùng Bộ Xây dựng hoàn thiện các nghị định hướng dẫn cho 2 dự án Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; tiếp tục tham mưu cho thành phố ban hành quy định cụ thể hóa chính sách liên quan đến lĩnh vực xây dựng, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến chỉnh trang đô thị hiệu quả hơn; quan tâm đến công tác quản lý phát triển nhà ở, đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhà ở trên địa bàn.
Về công tác đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trước nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024 rất cao (130.000 căn), đề nghị thành phố Hà Nội cùng Sở Xây dựng rà soát lại các dự án nhà ở xã hội đã cấp phép, đã khởi công xây dựng để đăng ký chỉ tiêu năm 2024 khả thi, tích cực hơn; thúc đẩy 28 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư để lựa chọn chủ đầu tư, sớm triển khai xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng nhấn mạnh, Sở Xây dựng đã thực hiện tốt vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2020-2025”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, Sở Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, rà soát các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian, công khai minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành.
“Sở lưu ý có giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho người dân nông thôn đạt tỷ lệ 95%, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 40%. Đây là chỉ tiêu khó cần tập trung chỉ đạo”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Một số nhiệm vụ cụ thể khác tập trung đẩy mạnh cải tạo chung cư cũ; hoàn thành công tác lập chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội tập trung; tăng cường công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn; hoàn thành Đề án thành lập ‘‘Trung tâm quản lý nhà thành phố Hà Nội’’; tham mưu có hiệu quả việc quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước để giảm tình trạng nợ đọng tiền thuê nhà, quỹ nhà trống thuộc sở hữu nhà nước.
Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở, các khu đô thị trên địa bàn thành phố nhằm kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế vi phạm nổi cộm gây bức xúc trong dư luận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.