(HNM) - Công tác đối thoại, tiếp xúc trực tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân đã và đang được thành phố Hà Nội tập trung thực hiện. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác này, đặc biệt là một số vụ việc tồn đọng, kéo dài. Quan điểm chỉ đạo của thành phố là cần sớm giải quyết triệt để những vụ việc như vậy.
Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, công tác tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được thành phố rất chú trọng. Lãnh đạo UBND thành phố đã tổ chức một cuộc đối thoại với công nhân lao động, trực tiếp chủ trì 18 buổi tiếp công dân định kỳ để giải quyết các kiến nghị, đề xuất, khiếu nại, tố cáo. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp đi kiểm tra cơ sở và chủ trì 273 buổi làm việc tại các quận, huyện, thị xã. Toàn thành phố đã tiếp nhận, thụ lý theo thẩm quyền 2.235 vụ khiếu nại, tố cáo, giải quyết được 1.743 vụ, đạt tỷ lệ 78%.
Tại một số quận, huyện, công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được tổ chức ngày càng thực chất, hiệu quả. Như tại quận Ba Đình, Bí thư Quận ủy Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, quận đã thực hiện tiếp xúc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng với nhân dân tại nhiều địa bàn cơ sở, tổ chức đối thoại trong tất cả các trường học trên địa bàn. Còn tại quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch HĐND quận Trần Lan Hương cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND quận đã tổng hợp 276 kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó có 189 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của quận, 87 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố và các cơ quan khác.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít vụ việc kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là những vụ việc, vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, trật tự đô thị, ô nhiễm môi trường... Theo Phó Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Trần Lan Hương, một số kiến nghị của cử tri qua nhiều kỳ họp HĐND đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là do các chính sách, pháp luật trong mỗi thời kỳ khác nhau nên việc giải quyết gặp nhiều vướng mắc.
Bà Nguyễn Thị Toàn (ở phường Quảng An, quận Tây Hồ) phản ánh, công tác giải phóng mặt bằng tại gói thầu 21 thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây chưa được giải quyết dứt điểm, dù đã được nhân dân liên tục kiến nghị từ năm 2016. Hay như vào giữa tháng 10-2019, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng đã tiếp đại diện một số hộ dân ở tập thể khu C thuộc Công ty cổ phần Xây dựng 6 Thăng Long (xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh) và một số người dân ở phường Thành Công, quận Ba Đình kiến nghị, khiếu nại về hai vụ việc liên quan đến đường giao thông; đền bù, hỗ trợ tái định cư đã nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.
Từ những vấn đề đang đặt ra trong công tác tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, trong những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của công dân nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc nóng, bức xúc, đột xuất, vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Các quận, huyện, thị xã cũng cần đôn đốc chính quyền, công an các xã, phường, thị trấn, các đoàn thể, tổ dân phố... thực hiện tốt công tác dân vận, nắm chắc tình hình để kịp thời giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở...
Bên cạnh việc tăng cường đối thoại, chủ trương của thành phố là nâng cao tính minh bạch trong các thủ tục hành chính, kịp thời hơn nữa trong thông tin, tuyên truyền các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh. Đây là những yêu cầu cấp thiết để giải quyết các vấn đề tồn đọng, đồng thời không làm phát sinh những vụ việc mới, tạo đồng thuận trong nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.