(HNM) - Trong khi biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày một khắc nghiệt thì các nhà khoa học và nhà quản lý đều cho rằng, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) là chìa khóa để ứng phó với BĐKH.
Nâng độ che phủ rừng lên 42-43%
Đoàn viên thanh niên tham gia trồng rừng chắn sóng, ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).
Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu chương trình BV&PTR giai đoạn 2011-2015 là nâng độ che phủ rừng đạt 42-43% vào năm 2015, góp phần bảo đảm môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thủy, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học... Bên cạnh đó là việc tiếp tục quản lý, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Đặc biệt, sau khi triển khai chương trình phải bảo đảm cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, tạo ra các sản phẩm lâm sản phục vụ tiêu dùng trong nước và đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
Để chương trình thành công, Tổng Cục kiểm lâm yêu cầu các tỉnh có rừng trong cả nước cần nâng cao nhanh năng suất, chất lượng và trữ lượng rừng hiện có. Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước phải trồng mới 450.000ha; trồng lại rừng sau khai thác là 600.000ha. Theo kế hoạch, việc khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng đặc dụng và rừng phòng hộ phải đạt 550.000ha, trong đó khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng chuyển tiếp 350.000ha, khoanh nuôi mới 200.000ha. Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng phải trồng 150.000ha ở lưu vực sông Đà, ven biển và các vùng khác. Để thực hiện được mục tiêu, chương trình đề ra, dự kiến tổng vốn đầu tư của giai đoạn này là 24.854 tỷ đồng.
Với diện tích rừng là 24.504ha (chiếm 84% đất lâm nghiệp), Hà Nội đang xây dựng đề án BV&PTR giai đoạn 2011-2020. Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học, diện tích rừng của Hà Nội không lớn song có vai trò rất quan trọng là "lá phổi xanh" điều hòa khí hậu của Thủ đô. Ngoài giá trị về bảo tồn, nghiên cứu khoa học, rừng có tác dụng phòng hộ đầu nguồn cho các sông, hồ, đập lớn của thành phố; bảo vệ môi trường sinh thái cho các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư… và giữ đất, giữ nước, điều tiết nước phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất cho các huyện vùng đồi núi bán sơn địa và vùng đồng bằng. Mục tiêu của đề án, thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 29.171,3ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ che phủ của rừng từ 7,4% hiện nay lên 8,5% vào năm 2020; bảo đảm có sự tham gia rộng rãi hơn của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào BV&PTR.
Rà soát đất đai, quy hoạch lâm nghiệp
Hiện cả nước có 16,24 triệu hécta rừng và đất lâm nghiệp, song để rừng phát huy giá trị bảo vệ môi trường, các tỉnh có rừng cần rà soát, xác định thực trạng sử dụng đất và rừng, trên cơ sở đó tiến hành giao đất, giao rừng một cách bài bản. Theo ông Hà Anh Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp, để làm tốt công tác giao đất, giao rừng, các địa phương phải hoàn thiện hồ sơ về rừng đối với các diện tích rừng đã giao, cho thuê. Giao rừng cho thuê rừng gắn với giao, cho thuê đất lâm nghiệp để quản lý, sử dụng rừng bền vững.
Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch quản lý, phát triển và sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, trong đó rừng đặc dụng chủ yếu được giao cho các Ban quản lý rừng đặc dụng Nhà nước và có lực lượng bảo vệ chuyên trách. Mấu chốt đối với rừng đặc dụng là củng cố, nâng cao năng lực của các Ban quản lý, đồng thời tổ chức thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích rừng và phát huy vai trò quản lý với cư dân địa phương. Việc trồng rừng đặc dụng ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, rừng nghiên cứu, thực nghiệm được đầu tư theo từng dự án trồng rừng. Bộ NN&PTNT quy định, đối với rừng phòng hộ có quy mô lớn sẽ thành lập Ban quản lý rừng, còn với diện tích rừng dưới 5.000ha sẽ tiến hành giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sinh sống trên địa bàn. Đặc biệt, rừng sản xuất cũng cần được quan tâm để xây dựng và phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp mạnh, bền vững. Đối với những khu rừng sản xuất không có khả năng phục hồi thì cần tiến hành cải tạo, trồng thay thế bằng những cây có giá trị cao hoặc lấy gỗ cung cấp cho công nghiệp chế biến. Còn với rừng sản xuất là rừng trồng cần quy hoạch trồng rừng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các tỉnh cần tăng cường, phối hợp chặt chẽ với nhau trong BV&PTR, có như vậy, môi trường sống của chúng ta mới được bảo vệ và phát triển bền vững để ứng phó với diễn biến phức tạp của BĐKH.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.