(HNMO) - Ngày 28-10, tại Tomodachi Retreat Làng Mít (Sơn Tây, Hà Nội), Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng Cơ quan Liên hợp quốc vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức chương trình tập huấn truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Khánh Lương - Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới đã khẳng định vai trò của truyền thông trong lĩnh vực bình đẳng giới, đồng thời cho biết, trong những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương, đã có nhiều cố gắng trong công tác truyền thông về bình đẳng giới. Đặc biệt, việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ năm 2016 đến nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng, quan tâm, chung tay vào cuộc của người dân, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực.
Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác bình đẳng giới, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về chính sách, pháp luật về bình đẳng giới của công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, chuyển đổi hành vi và sự ủng hộ tích cực của toàn xã hội trong công tác bình đẳng giới, ngày 23-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1790/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, trong đó, việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm là một trong 5 mục tiêu của chương trình.
Năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định chọn chủ đề Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, nhằm khẳng định ưu tiên và cam kết trong việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Trong khuôn khổ chương trình, nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về công tác truyền thông và hiểu biết sâu sắc về bình đẳng giới như PGS.TS Đinh Thu Hằng, Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình; TS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền; chuyên gia của UN Women và nhiều đại biểu, nhà báo là những người đã gắn bó lâu năm với lĩnh vực bình đẳng giới… đã cùng chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến truyền thông về bình đẳng giới; thực trạng truyền thông về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam; nguyên tắc truyền thông về bình đẳng giới; cách thức đặt vấn đề, đưa tin và giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới…
Đáng chú ý, rất nhiều nội dung thu hút sự trao đổi, quan tâm của giới truyền thông như: Cách đưa tin các vụ việc bạo lực với phụ nữ và xâm hại trẻ em trên truyền thông Việt Nam hiện nay; những lưu ý khi tiến hành phỏng vấn người bị bạo lực; lưu ý khi lựa chọn tiêu đề, ảnh để đưa tin, bài về các vụ việc bạo lực giới…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.