Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập đoàn TH “mở đường” trong xu hướng sản xuất nước ép, nước cô đặc từ cam, nhãn…

Hiền Ngân| 05/02/2018 15:18

Các nghiên cứu thị trường gần đây cho thấy, xu hướng sử dụng nước ép, nước cô đặc từ trái cây ngày càng được ưa chuộng. Lý do, thúc đẩy tăng trưởng trong ngành này do người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến đồ uống có lợi cho sức khỏe. Đây là tín hiệu đáng mừng dành cho các nhà sản xuất nước ép trái cây tự nhiên.

Nâng cao giá trị trái cây Việt qua chế biến

Theo Công ty nghiên cứu thị trường W&S, hiện nay xu hướng người tiêu dùng lựa chọn nước ép trái cây, nước trái cây chứa sữa đạt 62.0% cao hơn so với tiêu dùng nước giải khát có gas (chiếm 60%). Còn trong một báo cáo khác về ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam của Kantar WorldPanel (một tổ chức toàn cầu trong việc nghiên cứu hành vi của người mua hàng) công bố hồi tháng 5-2017 cũng đánh giá, nước ép trái cây là ngành hàng tăng trưởng nổi bật ở cả thành thị và nông thôn và đơn vị này nhận định rằng ngành hàng này vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng thêm mạng lưới người tiêu dùng. Liệu các thương hiệu nước ép có nắm bắt được xu hướng sức khỏe của người tiêu dùng để thúc đẩy thêm tăng trưởng hay không?

Tại Hội thảo “Cơ hội và giải pháp - Vì sao doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia thị trường chế biến trái cây lúc này” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Rieckermann Việt Nam tổ chức hồi tháng 11-2017 đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, sự gia tăng về diện tích, sản lượng, giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam liên tục tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Từ con số vài trăm triệu USD/năm, đến năm 2016 đã đạt con số 2,45 tỷ USD, trong đó ước tính các sản phẩm trái cây chiếm hơn 80% giá trị xuất khẩu. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,48 tỷ USD, tăng hơn 47,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn vào những con số trên cho thấy, tiềm năng tăng trưởng thị trường này còn rất lớn. Tuy nhiên, thực tế, theo đánh giá của các chuyên gia giá trị khai thác chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị xuất khẩu ra thế giới còn rất nhỏ, cùng với đó, công nghệ chế biến quả của Việt Nam còn lạc hậu nên Việt Nam chưa phát huy được hết lợi thế giá trị của cây ăn quả. Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm tạo ra lợi nhuận bền vững, Việt Nam nên tham gia thị trường chế biến trái cây. Trong đó, tăng cường phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm từ cây ăn quả với các sản phẩm chế biến chính gồm các loại quả đông lạnh, đóng hộp, sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc… nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu.

“Ông lớn” sữa tươi TH True MILK lấn sân sang chế biến nước ép trái cây tươi

Việt Nam là thiên đường của các loại cây ăn quả nhiệt đới, từ lợi thế này cùng với tiềm năng thị trường, Tập đoàn TH (nổi tiếng với thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK) tiếp tục thể hiện tư duy nhạy bén khi mới đây đã lấn sân sang lĩnh vực chế biến quả và nước hoa quả công nghệ cao bằng việc khởi công một dự án tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Ngày 25.1, Lễ Khởi công nhà máy chế biến quả và nước hoa quả Sơn La của tập đoàn TH có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, giai đoạn 1 đầu tư 300 tỷ đồng


Dự án nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Giai đoạn 1 đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến các loại trái cây như: cam, nhãn, xoài, chanh leo, sơn tra với các dòng sản phẩm gồm nước nhãn ép, nước cam, nước chanh leo cô đặc; sản phẩm chế biến từ xoài, sơn tra. Giai đoạn 2 có mức đầu tư 900 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm gồm nước cam, nước nhãn, nước chanh leo nguyên chất đóng chai. Giai đoạn 1 nhà máy có công suất thiết kế 100 tấn quả/ngày, tương đương 30.000 tấn/năm, được đánh giá là có quy mô hàng đầu Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực chế biến quả.

Trong số các loại hoa quả mà tập đoàn TH sẽ đưa và sản xuất chế biến, có cam, nhãn là 2 loại quả đầu tiên được nghiên cứu ép cô đặc. Lều Nguyệt Ánh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của tập đoàn TH cho biết, tới thời điểm này Tập đoàn TH là đơn vị đầu tiên áp dụng cô đặc cam, nhãn trên thiết bị công nghệ cao của Đức, Ý, tập đoàn TH dự kiến sẽ tạo nguồn nguyên liệu nước quả mới cho các nhà máy chế biến nước quả ở Việt Nam, tạo ra dòng sản phẩm mới từ “kho tàng” hoa quả nhiệt đới.

Lãnh đạo tập đoàn TH và tỉnh Sơn La có sự hợp tác tốt đẹp để Dự án nhanh chóng được triển khai


Đánh giá cao thế mạnh cạnh tranh 2 loại quả này, Ông Hans Juergen Wichmann - Tổng Giám đốc Công ty Rieckermann Việt Nam khẳng định, tại Việt Nam, nước ép dứa, chanh leo cô đặc khá phổ biến nhưng cô đặc từ cam, nhãn thì chưa có doanh nghiệp nào triển khai: “Trong khi tôi thấy cam, nhãn là 2 loại quả rất phổ biến ở Việt Nam, chất lượng rất ngon, có thế mạnh cạnh tranh cao”.

Trong lộ trình xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng sạch và hữu cơ, Tập đoàn TH xác định rõ sản xuất các sản phẩm thực phẩm thiết yếu sạch, hoàn toàn từ thiên nhiên là con đường đi tất yếu. Và với dự án nhà máy chế biến nước ép, nước cô đặc từ cam, long nhãn đầu tiên tại Việt Nam, tập đoàn một lần nữa thể hiện tầm nhìn đi đầu xu hướng tạo ra những dòng sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe. Đồng thời với lộ trình kể trên, TH tiếp tục thể hiện cam kết và trách nhiệm của một nhà sản xuất hướng đến cộng đồng.

Nông dân huyện Vân Hồ rất mong Dự án sớm triển khai để hợp tác trồng cây ăn quả.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập đoàn TH “mở đường” trong xu hướng sản xuất nước ép, nước cô đặc từ cam, nhãn…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.