Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo thuận lợi khi bỏ sổ hộ khẩu

Nhóm phóng viên| 04/03/2023 06:20

(HNM) - Sau hơn 2 tháng bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy (thực hiện từ ngày 1-1-2023 theo Luật Cư trú 2020), thay bằng phương thức quản lý điện tử, người dân đã bước đầu được thụ hưởng tiện ích của công nghệ số. Tuy nhiên, việc người dân bị yêu cầu thêm giấy tờ xác minh nơi cư trú để thực hiện một số thủ tục hành chính vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Trước tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để thực sự tạo thuận lợi cho người dân.

Người dân đăng ký thủ tục nhập khẩu tại Công an phường Thạch Bàn (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Hiền

Vẫn còn yêu cầu xuất trình thêm giấy tờ

Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) cho biết, có 7 phương thức thông tin công dân để thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Trong đó, việc sử dụng giấy xác nhận cư trú chỉ là phương thức cuối cùng trong 7 cách thức xác nhận nơi cư trú của công dân. Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về căn cước công dân.

Mặc dù vậy, theo phản ánh của chị Trương Ánh Tuyết (phường Định Công, quận Hoàng Mai), vừa qua, gia đình chị có làm thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, được yêu cầu phải có giấy xác nhận thông tin về cư trú. Cho dù chị Tuyết đã có căn cước công dân gắn chíp nhưng các văn phòng công chứng đều nêu lý do chưa truy cập được vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác minh. Quá trình đi xin cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú của chị Tuyết cũng mất nhiều thời gian.

Còn anh Đặng Trần Dũng (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) thì lo lắng về việc giấy xác nhận thông tin về cư trú chỉ có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp. Quá thời hạn này, người dân nếu có nhu cầu làm thủ tục hành chính lại phải xin giấy xác nhận, rất mất thời gian. Chưa kể, để chứng minh nơi cư trú hợp pháp, một số đơn vị cung cấp dịch vụ còn yêu cầu xuất trình hóa đơn dịch vụ như điện, nước…

Theo một nhân viên văn phòng công chứng, hiện văn phòng căn cứ địa chỉ trên căn cước công dân điện tử để tiến hành các thủ tục cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu khách hàng có thêm giấy xác nhận thông tin về cư trú thì càng tốt. Điều này là bắt buộc đối với các thủ tục về đất đai vì quy định vẫn yêu cầu ghi đầy đủ thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất như tên, tuổi, địa chỉ thường trú…

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, hiện có 39 thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nhưng mới có 2 thủ tục hành chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã công bố công khai để thực hiện theo Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21-12-2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Đoàn viên thanh niên quận Hoàng Mai hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Ảnh: Nguyễn Mai

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu, tăng cường kết nối

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, Bộ Công an đã có những bước chuẩn bị rất cụ thể để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Trong đó, vấn đề quan trọng là hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sẵn sàng kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, Bộ Công an đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg và Công điện số 90/CĐ-TTg, khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Liên quan đến việc này, theo Trung tá Vũ Hải Đăng, Trưởng Công an phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), Công an phường thường xuyên thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, Công an phường làm tốt công tác tham mưu cho tổ công tác của phường triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án.

Trong khi đó, Bí thư Đoàn thanh niên quận Hoàng Mai Nguyễn Quỳnh Trang cho biết, Đoàn thanh niên quận Hoàng Mai đã ra mắt 4 đội hình tình nguyện, gồm: Đội tuyên truyền lưu động, Đội hỗ trợ nhập liệu thông tin, Đội hỗ trợ người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử và Đội cấp căn cước công dân lưu động. Các đội tình nguyện tập trung tuyên truyền về lợi ích của căn cước công dân gắn chíp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử, từ đó đẩy nhanh việc đồng bộ hệ thống dữ liệu về công dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo thuận lợi khi bỏ sổ hộ khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.