Góc nhìn

Tạo thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận nhà ở

Chí Kiên 24/02/2024 - 06:35

Lâu nay, vấn đề đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được người dân đặc biệt quan tâm bởi nhu cầu trong thực tế rất lớn, trong khi nguồn cung luôn trong tình trạng “nhỏ giọt”.

Giải quyết vấn đề này, thời gian qua, các cấp có thẩm quyền rất nỗ lực để phát triển nhà ở xã hội và đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo nguồn cung, giải quyết khó khăn về nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân. Nổi bật là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” (theo Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 3-4-2023).

Phải khẳng định, Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội là một thông tin rất vui với người lao động. Bởi trong bối cảnh giá nhà ở thương mại tại các đô thị lớn luôn neo ở mức cao, thì mục tiêu đề ra tại đề án là “phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp” thể hiện sự nhân văn và là cơ hội lớn để người có thu nhập thấp, công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất có thể hiện thực hóa ước mơ “an cư lạc nghiệp”.

Với ý nghĩa đó, cho đến nay, kết quả thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đã đạt được những dấu mốc quan trọng ban đầu. Đó là trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ (trong đó, 71 dự án đã hoàn thành với gần 40.000 căn hộ; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 108.000 căn hộ; 301 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265.500 căn hộ)…

Qua các con số thống kê kể trên, có thể thấy, đến nay đã có hàng chục nghìn người lao động có thu nhập thấp đang được sinh sống ổn định trong các căn hộ mà họ được mua, thuê, thuê mua với giá cả phù hợp thu nhập và điều kiện kinh tế gia đình. Nhìn rộng ra, nhiều người lao động đã được an cư và ắt hẳn họ sẽ gắn bó, đóng góp nhiều hơn cho nơi bản thân đang làm việc, công tác.

Tuy vậy, so với nhu cầu hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn như “muối bỏ bể” khiến đông đảo người có thu nhập thấp, công nhân vẫn khó tiếp cận. Trong khi đó, việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đang gặp những vướng mắc nhất định. Cụ thể như kết quả thực hiện của nhiều địa phương vẫn chậm so với kế hoạch đăng ký; việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng chậm… Đáng lưu ý, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gặp vướng mắc trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi… Ngoài ra, có thực tế là việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, dẫn đến có dự án đã hình thành nhưng không thu hút được người mua…

Theo mục tiêu đề ra tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu của đề án đến năm 2025. Riêng trong năm 2024, Chính phủ đặt ra mục tiêu nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ.

Một điểm thuận lợi hiện nay trong thực hiện mục tiêu kể trên là nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết trong Luật Đất đai năm 2024 và Luật Nhà ở năm 2023. Nhấn mạnh vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong năm 2024, diễn ra sáng 22-2 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành cần rà soát, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ; đồng thời khẩn trương xây dựng, đưa những điểm mới trong pháp luật đất đai, nhà ở… vào cuộc sống. Phó Thủ tướng cho rằng, công việc phải rất chi tiết, cụ thể, như xác định đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội, trình tự thủ tục đầu tư, tiếp cận vay vốn ưu đãi…; phải đơn giản hóa các tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội, như: Chưa có nhà ở trên địa bàn đang sinh sống, chưa được mua nhà ở xã hội, có việc làm thu nhập ổn định…

Nhu cầu nhà ở xã hội của người có thu nhập thấp và công nhân được dự báo sẽ ngày càng tăng cao do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, trên diện rộng. Yêu cầu đặt ra hiện nay là các bộ, ngành, địa phương cần bám sát và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ trong Đề án “Đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã đề ra, đặc biệt là rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… Tất cả những nhiệm vụ quan trọng này đều hướng đến mục tiêu là hiện thực hóa ước mơ an cư, để mọi người dân, ở hoàn cảnh nào cũng được tiếp cận nhà ở một cách thuận lợi và phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, thu nhập của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận nhà ở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.