(HNM) - Thời gian qua, 12 tuyến xe buýt gom loại 30 chỗ vận hành trên các tuyến đường nhánh kết nối các khu đô thị, bệnh viện, khu công nghiệp, trường học, siêu thị... với các tuyến trục chính đã phát huy hiệu quả.
Các tuyến buýt gom phát huy hiệu quả
Từ cuối tháng 12-2017, tuyến buýt gom số 106 (Khu đô thị Mỗ Lao - Viện 103 - Trung tâm Thương mại Aeon mall Long Biên) được Tổng công ty Transerco đưa vào khai thác. Lập tức, tuyến buýt này đã phát huy hiệu quả cao. Đại diện Xí nghiệp Xe buýt Thăng Long (đơn vị trực tiếp vận hành tuyến 106) cho biết, tuyến có 8 xe hoạt động liên tục với tần suất 20-25 phút/chuyến. Trung bình mỗi lượt xe có trên 20 khách gồm cả vé tháng và vé lượt. Vào các khung giờ cao điểm còn xuất hiện tình trạng quá tải.
Xe buýt Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Ông Nguyễn Việt Hoàng, phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) chia sẻ, trước đây, đường Vĩnh Hưng không có tuyến xe buýt nào hoạt động. Từ khi có tuyến 106 chạy qua, việc đi lại của người dân sang Long Biên, hay đi Hà Đông, hoặc ra các tuyến đường lớn để chuyển tuyến xe buýt đi các nơi rất thuận lợi. Nhiều ngày vào dịp cuối tuần, cả nhà lại lên xe buýt đi Trung tâm Thương mại Aeon mall Long Biên vui chơi, mua sắm vừa an toàn, lại rẻ hơn taxi rất nhiều.
Tuyến 106 chỉ là một trong 12 tuyến buýt gom đang được Tổng công ty Transerco khai thác. Các tuyến buýt gom khác như tuyến 84 (Khu đô thị Mỹ Đình 1 - Khu đô thị Linh Đàm), tuyến 85 (Công viên Nghĩa Đô - Khu đô thị Văn Phú), tuyến 104 (Mỹ Đình - Bắc Linh Đàm)... cũng rất hiệu quả khi kết nối được các khu đô thị mới, các khu dân cư đông đúc.
Theo ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, đặc điểm của tuyến buýt gom là các tuyến buýt sử dụng loại phương tiện nhỏ vận hành trên các tuyến nhánh để gom khách từ các điểm có nhu cầu đi lại cao cho các tuyến trục chính hoặc các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Trong số 12 tuyến buýt gom, khu vực nội thành có 3 tuyến, khu vực ngoại thành có 9 tuyến. Loại hình buýt này rất linh hoạt do có thể tiếp cận tới các điểm có nhu cầu đi lại lớn, nhưng điều kiện mặt đường hẹp, nhất là khu vực nội thành; hạn chế tình trạng người dân trong các khu vực có nhu cầu đi lại lớn, nhưng xa các trục giao thông chính phải đi bộ quá xa để tiếp cận được xe buýt. Qua đó góp phần giảm phương tiện cá nhân, ùn tắc giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Sẽ thí điểm loại hình mini buýt
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, trong năm 2018, Tổng công ty Transerco sẽ phối hợp với Sở GT-VT Hà Nội nghiên cứu mở mới 14 tuyến buýt, trong đó đáng chú ý là sẽ thí điểm mở một số tuyến mini buýt. Đây là các loại xe có sức chứa từ 20-24 chỗ ngồi, có thể đi vào những trục đường nhỏ, mặt đường chỉ rộng 4-5m nhưng có mật độ dân cư đông như Bùi Xương Trạch, Khương Trung, Khương Đình... để gom hành khách ra những trục chính. Từ đó giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận với hệ thống vận tải công cộng chung của thành phố. Đây là giải pháp để thực hiện đề án giảm dần các phương tiện giao thông cá nhân, giảm tình trạng ách tắc giao thông và các phương tiện vận tải công cộng có thể phục vụ người dân một cách thuận lợi hơn. Đến thời điểm này, đề án mở mới 14 tuyến buýt đã được Tổng công ty gửi lên Sở GT-VT Hà Nội. Sau khi được phê duyệt tuyến, Tổng công ty sẽ xây dựng định mức vận hành mini buýt; quyết định đầu tư phương tiện để có thể sớm đưa vào phục vụ hành khách.
Đề cập đến chủ trương thí điểm mini buýt, ông Thái Hồ Phương cho rằng, Hà Nội với đặc thù có nhiều khu dân cư, khu tập thể cũ nằm trong trung tâm thành phố và cả các khu đô thị mới nằm xa các trục đường chính. Trong đó 693/935 tuyến đường nội thị (chiếm 73%) có mặt cắt dưới 11m. Vì vậy, việc phát triển loại hình mini buýt với sức chứa từ 17 chỗ đến 30 chỗ (gồm chỗ đứng và chỗ ngồi) vận hành kết nối thuận lợi nhất vào các tuyến buýt đang hoạt động trên các trục chính gần nhất, bảo đảm hành khách cảm nhận được sự thuận lợi hơn so với việc đi bộ, xe máy (xe ôm) để tiếp cận xe buýt. Giá vé đối với loại hình mini buýt đề xuất theo nguyên tắc bảo đảm khả năng cạnh tranh được với các loại phương tiện khác ở cự ly ngắn nên sẽ đa dạng và linh hoạt (vé lượt sử dụng trên tuyến mini buýt, vé lượt liên thông...).
Tuy nhiên, với mục đích là tuyến gom để hành khách trung chuyển, nên tần suất dịch vụ sẽ được tính toán tối ưu hóa để hạn chế phát sinh thời gian chuyến đi của hành khách. Dự kiến trong năm 2018, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị nghiên cứu đề xuất thí điểm 2 tuyến mini buýt (tuyến MNB01: Cầu Giấy - Bùi Xương Trạch, tuyến MNB02: Hoàng Mai - Nam Đồng).
Trên cơ sở thử nghiệm tuyến mini buýt, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị sẽ có kế hoạch và lộ trình triển khai trong các giai đoạn tiếp theo nhằm đạt tỷ lệ 80% người dân có thể tiếp cận điểm dừng xe buýt ở cự ly đi bộ trong vòng 500m vào năm 2030 theo mục tiêu của thành phố đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.