(HNM) - Tính ưu việt của bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được chứng minh, nhưng đến nay mới có 1,3% số người trong độ tuổi lao động tại Hà Nội tham gia, hiện vẫn còn khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi, tương ứng với hơn 2,8 triệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Để tạo "sức hút" cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, các cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hỗ trợ tối đa cho người lao động.
Tỷ lệ người tham gia còn thấp
Hướng tới mục tiêu đa số người dân trên địa bàn Thủ đô có lương hưu, có thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe khi về già, những năm gần đây, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã phối hợp với các ngành, địa phương vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng nhiều hình thức. Nhóm đối tượng tập trung khai thác là những người làm công việc tự do, lao động làm nông nghiệp...
Kết quả, số người tham gia chính sách này tăng đều hằng năm. Đến cuối năm 2021, toàn thành phố có hơn 63.300 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 30,06% (tương ứng tăng 14.630 người) so với năm 2020, vượt chỉ tiêu HĐND thành phố giao. Việc tham gia chính sách này, giúp người lao động yên tâm vì có điểm tựa an sinh khi hết tuổi lao động. Anh Phạm Bá Hưng (xã Đông Quang, huyện Ba Vì) chia sẻ: “Tôi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 10-2021 với mức đóng 500.000 đồng/tháng. Số tiền này không lớn, nhưng nó giúp tôi chắc chắn nhận được khoản lương hưu hằng tháng khi về già”.
Tính ưu việt của bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được chứng minh, nhưng số người tham gia chính sách này trên thực tế còn quá thấp. Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, toàn thành phố mới có 1,3% số người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong khi tiềm năng để phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện rất lớn.
Lý giải nguyên nhân bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thu hút nhiều người tham gia, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Hà Đông Lê Thành Long cho biết, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp, thời gian đóng dài (20 năm trở lên), nên nhiều người dù muốn cũng chưa đủ khả năng. Ngoài ra, công tác tuyên truyền có chỗ, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, khiến người dân chưa hiểu rõ tính ưu việt của chính sách này.
Nỗ lực đưa chính sách vào đời sống
Nhằm đưa chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện vào đời sống, ngoài những giải pháp đã thực thi, ngày 18-2-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 30-11-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030”. Theo đó, Hà Nội xác định phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị thực hiện. Phấn đấu đến năm 2025, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt hơn 3% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 10%...
Triển khai chủ trương trên, các sở, ngành, địa phương tìm hướng thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn. Tại huyện Thường Tín, theo Chủ tịch UBND huyện Kiều Xuân Huy, huyện giao cơ quan Bảo hiểm xã hội tham mưu UBND huyện nhân rộng mô hình xã điểm về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện tại một số xã, thị trấn. Mô hình này là “cầu nối” đưa chính sách đến với từng người dân. Dẫn chứng là, năm 2021, xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) triển khai thí điểm mô hình phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện đã thu hút 234 người tham gia chính sách, đạt 190% kế hoạch.
Còn tại quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Đặng Khánh Hòa cho biết, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, quận tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống đại lý thu bảo hiểm xã hội, giao chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội cho từng đại lý thu. Ngoài ra, quận Thanh Xuân thực hiện các đợt cao điểm tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Để tạo điều kiện cho nhiều người dân được tiếp cận với chính sách, các sở, ngành chức năng đang nghiên cứu tham mưu UBND thành phố, trình HĐND thành phố xem xét nâng mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cao hơn quy định chung (theo quy định chung, tùy từng đối tượng, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ 10%, 25% và 30% mức đóng hằng tháng). Với các trường hợp khó khăn, các ngành, địa phương tích cực huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thêm hoặc tặng sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện...
Với nhiều giải pháp được triển khai, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa tin tưởng, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày càng đi sâu vào đời sống, góp phần tạo giá đỡ an sinh xã hội cho người lao động làm nông nghiệp hoặc làm những công việc tự do khi về già.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.