(HNM) - HĐND TP Hà Nội vừa kết thúc tốt đẹp kỳ họp thứ nhất bầu các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016. 29 quận, huyện, thị xã, 577 xã, phường, thị trấn cũng đang hoàn tất việc kiện toàn nhân sự các cơ quan chính quyền. Tất cả đã sẵn sàng bước vào nhiệm kỳ mới với quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp.
Nhiều thuận lợi, lắm gian nan
Hệ thống giao thông Hà Nội ngày càng phát triển và hiện đại . Ảnh: Huy Hùng
Những thuận lợi mà Hà Nội đang có để hướng đến bước phát triển ngày càng cao hơn rất rõ ràng. Đó là những thuận lợi cơ bản nhờ vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô và những thuận lợi mới, mở rộng địa giới hành chính, thắng lợi của công tác xây dựng chính quyền (đại hội Đảng, bầu cử, tổ chức kỳ họp thứ nhất…), tinh thần, khí thế và kết quả đầu tư liên quan đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sự đồng thuận cao trong xã hội, nhất là sau những thử thách cam go trong đối phó với khủng hoảng và suy thoái kinh tế, quan hệ đối ngoại rộng rãi và hiệu quả… Những yếu tố này giúp cho chính quyền các cấp tại Hà Nội hội tụ các điều kiện để triển khai các giải pháp, thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Nhưng gian nan, thử thách cũng không phải ít. Vấn đề đầu tiên chính là thành phố vẫn chưa thể tận dụng tốt những thuận lợi đang có như nói ở trên. Ngoài ra, theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, thử thách còn ở chỗ yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô thời kỳ mới cao hơn, khối lượng công việc lớn, đòi hỏi phải tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả, trong khi các điều kiện bảo đảm và nguồn lực của TP còn hạn chế. Những khó khăn, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng những yếu kém trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị chưa được khắc phục triệt để.
Trong báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri do Ủy ban MTTQ TP trình bày tại kỳ họp thứ nhất vừa qua, cử tri và nhân dân Thủ đô tiếp tục đặt ra hàng loạt vấn đề dân sinh bức xúc cần được giải quyết như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, vi phạm trật tự đô thị, vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai, nếp sống văn minh đô thị hạn chế, thủ tục hành chính còn rườm rà, cán bộ hành chính còn nhũng nhiễu, kỷ cương xã hội còn lỏng lẻo… Đây là những vấn đề không mới, nhưng luôn luôn có tính thời sự vì nhân dân vẫn chờ mong một sự chuyển biến lớn hoặc cao hơn là giải quyết dứt điểm. Đó cũng là việc mà chính quyền các cấp trong nhiệm kỳ mới phải đối mặt một cách hiệu quả, tạo nên sự khác biệt. Chỉ có như vậy, tính hiệu lực, hiệu quả của cơ quan công quyền mới được thể hiện, xứng đáng với niềm tin, sự giao phó của cử tri và người dân.
Sức bật mới ở đâu?
Trong các phát biểu sau khi trúng cử, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đề cập 7 nhóm nhiệm vụ sẽ phải thực hiện trong nhiệm kỳ mới, qua đó có thể thấy, một khối lượng công việc rất lớn đang ở phía trước. Chỉ riêng nhóm về xây dựng và quản lý đô thị đã có rất nhiều việc phải làm ngay và làm liên tục trong nhiều năm tới: Hệ thống quy hoạch Thủ đô từ quy hoạch chung, đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành, các quy chế, các quy định quản lý quy hoạch - kiến trúc còn dang dở; tăng cường quản lý đô thị mới, cải tạo và nâng cấp đô thị cũ; di chuyển các trường ĐH, bệnh viện, cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô; nâng cấp toàn diện hệ thống hạ tầng giao thông, điện lực, viễn thông; xử lý ô nhiễm môi trường sông, hồ, xây dựng thêm bãi rác, cơ sở xử lý rác, xử lý nước thải; xây dựng thêm nghĩa trang; xây dựng thêm trường học, trạm xá… Việc nhiều như thế, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều người cùng lúc, nếu kỷ luật, kỷ cương hành chính yếu, công việc chắc chắn bị bê trễ. Cấp TP không thể làm thay, nên chỉ có cách siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm hành chính.
Nhiệm kỳ trước, hoạt động thanh tra công vụ đã được đẩy mạnh, đem lại sự chuyển biến tích cực về tinh thần trách nhiệm trong các cơ quan hành chính. Nhưng kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn là điều mà lãnh đạo TP quan tâm hàng đầu hiện nay. Trong các phát biểu sau khi tái đắc cử, lãnh đạo TP đã thể hiện tinh thần và quyết tâm làm việc mới. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định: "UBND TP sẽ thực sự gương mẫu, mỗi thành viên tiếp tục rèn luyện, phấn đấu về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác". Khi nói về nhóm nhiệm vụ quy hoạch và xây dựng, Chủ tịch cũng nhấn mạnh rằng: "địa phương, đơn vị nào để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm trật tự đô thị thì chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã và giám đốc sở chức năng phải chịu trách nhiệm".
Có chuyên gia nhận định rằng, thuận lợi ở Hà Nội là "muốn đầu tư có đầu tư, muốn công nghệ có công nghệ, muốn con người có con người, muốn ủng hộ có ủng hộ", nhưng khó khăn là thiếu cơ chế, chưa chủ động và tính tích cực còn yếu để sử dụng những thuận lợi đó. Sức bật mới chính là làm sao để tính hiệu quả trong công việc của mỗi cá nhân và mỗi tập thể của cơ quan được tăng cường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.