Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo ra giá trị từ dữ liệu

Việt Nga| 29/04/2023 08:02

(HNM) - Với doanh nghiệp ngày nay, dữ liệu được coi là tài sản lớn nhất. Từ khai thác dữ liệu tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Muốn phục vụ người dùng thì phải có dữ liệu và càng có dữ liệu nhiều, việc phục vụ khách hàng càng tốt hơn…

Nhân viên Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm giới thiệu các giải pháp ứng dụng công nghệ tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ tại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm (Hà Nội) Phạm Hồng Quân cho biết, sau 10 năm phát triển, ứng dụng "Giaohangtietkiem" trở thành nền tảng hậu cần, nền tảng làm việc số của hơn 3,5 triệu nhà bán hàng trực tuyến (online) tại Việt Nam; phục vụ hơn 70 triệu người mua sắm. Tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên nền tảng khoảng 570.000 tỷ đồng. Nền tảng hoàn toàn do kỹ sư của công ty phát triển.

Theo thống kê từ dữ liệu ứng dụng "Giaohangtietkiem" trong giai đoạn bùng nổ thương mại điện tử 2019-2022, khu vực nông thôn có tổng đơn hàng và tổng giá trị hàng hóa tăng mạnh mẽ hơn so với thành thị. Chẳng hạn, người mua sắm online ở nông thôn tăng tới 200%, trong khi khu vực thành thị tăng hơn 30%; tổng đơn hàng khu vực nông thôn tăng 147%, khu vực thành thị tăng 36%; tổng giá trị hàng hóa khu vực nông thôn tăng 2,7 lần, khu vực thành thị tăng gấp đôi. Những con số này giúp cho công ty đưa ra chiến lược, quyết định để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

Ngoài việc cá nhân hóa hoạt động của hàng triệu nhà bán online như phân loại ngành hàng, đánh giá khách hàng và thói quen, hành vi sử dụng dịch vụ, mức độ tín nhiệm, khả năng rời bỏ dịch vụ, ứng dụng đã phân tích hơn 100 triệu địa chỉ trên toàn mạng lưới nhằm tối ưu tuyến đường, chi phí, thời gian giao nhận hàng…

“Muốn phục vụ người dùng thì phải có dữ liệu. Dữ liệu càng nhiều phục vụ càng tốt hơn và kéo thêm khách hàng, mở thêm dịch vụ mới. Dịch vụ mới lại có thêm dữ liệu. Chúng tôi dựa vào dữ liệu để đưa ra quyết định của mình”, ông Phạm Hồng Quân nói.

Tương tự, Công ty An ninh mạng thông minh SCS đang triển khai giải pháp an toàn Safegate school miễn phí tới các trường học ở thị trấn Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái (với hơn 2.000 máy tính và thiết bị di động). Sau nửa tháng, hệ thống tiếp nhận hơn 3,6 triệu truy vấn an toàn; đặc biệt, đã ngăn chặn hơn 300.000 truy vấn độc hại (khoảng 9%) lừa đảo, nội dung không phù hợp học sinh…

Với giải pháp Safegate school, các thầy cô giáo có thể chủ động quản lý, kiểm soát hệ thống mạng của trường. Tổng Giám đốc Công ty An ninh mạng thông minh SCS Ngô Tuấn Anh lý giải thêm, giải pháp Safegate áp dụng theo mô hình điện toán đám mây Cloud Native Security Platform, hay còn gọi là security as service (bảo mật dưới dạng dịch vụ) nên thay vì mua sắm thiết bị đắt tiền một lần, có cán bộ quản trị riêng thì khách hàng sẽ trang bị thiết bị đầu cuối đơn giản với chi phí hợp lý và trả phí theo thuê bao khoảng 4.000 đồng/tháng.

“Với mô hình cloud này, khi hệ thống đã chạy được một thời gian, chúng ta có được nguồn dữ liệu lớn để từ đó có thể cung cấp thông tin về xu hướng diễn biến tiếp theo về an ninh mạng…”, ông Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh.

Việc triển khai của 2 doanh nghiệp nêu trên cho thấy vai trò quan trọng của dữ liệu và phân tích dữ liệu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, các doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh quá trình này.

Tập đoàn FPT đẩy mạnh chuyển đổi số nội bộ hướng đến mô hình hoạt động dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. Từ năm 2020, FPT triển khai dự án "Hồ dữ liệu FPT" giúp ban lãnh đạo quản trị theo thời gian thực, ra quyết định nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) khẳng định, dữ liệu và xử lý dữ liệu là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Tất cả quyết định dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu. Cả FPT và Viettel đều là doanh nghiệp có doanh thu rất lớn cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, dữ liệu số là dữ liệu được thu thập và tạo ra trên các nền tảng số, các hệ thống thông tin, có thể sử dụng, khai thác để tạo ra thông tin, tri thức. Dữ liệu là loại tài nguyên mới, với các giá trị như không tiêu hao, càng dùng càng nhiều lên, càng dùng càng tạo ra giá trị hơn. Giá trị của dữ liệu thể hiện ở việc biến nó thành thông tin, thành tri thức của đất nước, của nhân loại. Năm 2023 là năm dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cầm nhịp năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo ra giá trị từ dữ liệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.