Chiều 19-11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ phối hợp cùng các cơ quan liên quan của hai nước tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Tham dự có Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương; đông đảo doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Ấn Độ.
Bày tỏ vui mừng tham dự Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng nhìn lại những kết quả hợp tác đã đạt được trong suốt 46 năm qua, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp tác phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam-Ấn Độ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ có lịch sử lâu đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, ngày càng phát triển bền vững.
Hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Tin cậy chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố thông qua việc duy trì đều đặn các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư luôn duy trì tốc độ phát triển nhanh, ổn định và đạt được những kết quả ấn tượng.
Ấn Độ hiện là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Theo số liệu của Việt Nam, năm 2017 kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 7,63 tỷ USD. Tính đến tháng 9-2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8,3 tỷ USD (tăng 47,1% so với cùng kỳ). Hai nước đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD thời gian tới.
Về hợp tác đầu tư, tính đến hết tháng 9-2018, tổng vốn đăng ký đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam đạt 877 triệu USD, với 201 dự án đầu tư, đứng thứ 29/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, dược phẩm, thiết bị điện... Việt Nam hiện có 8 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký là 6,16 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, xuất khẩu mỹ phẩm, các sản phẩm tin học.
Theo Phó Thủ tướng, với dân số tiệm cận 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường có sức mua tăng trưởng nhanh với sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu; là nền kinh tế mở và đang tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
Nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm đến năm 2020, quy mô GDP đạt 320 đến 350 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 đến 3.500 USD, quy mô thương mại đạt 600 tỷ USD. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Việt Nam đang tích cực nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng năng suất và đổi mới, sáng tạo; chủ động tiếp cận nhằm tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế tri thức; kết hợp hài hòa khu vực kinh tế trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh; hướng tới phát triển bền vững, ổn định và bao trùm.
Để đạt mục tiêu kim ngạch song phương 15 tỷ USD thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, hai bên cần tăng cường đầu tư trên các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu; đẩy mạnh kết nối hàng không và hàng hải, hạn chế và từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước. Ngoài ra, hai nước cần tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân, góp phần tăng cường sự hiểu biết, hợp tác trên các lĩnh vực.
“Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Ấn Độ tăng cường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường Việt Nam. Năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, xây dựng kết cấu hạ tầng… là các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Hai nước cần tăng cường kết nối cả về song phương và khu vực, kết nối về hạ tầng như đường không, đường bộ, hàng hải và kết nối số. Các sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”, “Ấn Độ số”, “100 thành phố thông minh” và những thành tựu của Ấn Độ về kinh tế tri thức sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với chính phủ, tạo diễn đàn để chia sẻ quan tâm, chiến lược và tầm nhìn về hợp tác phát triển. Doanh nghiệp hai nước cũng cần chủ động, quyết liệt trong việc thúc đẩy hợp tác.
Là những nước có lợi thế tự nhiên về kinh tế biển, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ có thể tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược biển của mỗi nước.
Phó Thủ tướng tin tưởng, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp vì lợi ích và thịnh vượng chung của nhân dân hai nước; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục chia sẻ trở thành lực lượng tiên phong trong hợp tác, liên kết kinh tế, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Bày tỏ vui mừng được đến dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam -Ấn Độ, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind nhấn mạnh, Ấn Độ và Việt Nam là hai nền văn minh lâu đời và kết nối từ lâu. Thương nhân Ấn Độ đã mang hàng hóa đến bờ biển của Việt Nam từ trước khi những tư tưởng phật giáo của Ấn Độ truyền bá đến Việt Nam.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ không chỉ là những người bạn đặc biệt. Hai nước có tầm nhìn, phương pháp tiếp cận kinh tế tương tự nhau.
Chúc mừng Chính phủ, nhân dân Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn, Tổng thống Ram Nath Kovind vui mừng với bước tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trong hai thập kỷ vừa qua, giúp giảm tỷ lệ đói nghèo từ 70% vào những năm 90 của thế kỷ XX xuống còn ít hơn 10% hiện nay. Theo Tổng thống, việc GDP trên đầu người tăng từ 100 USD những năm 90 của thế kỷ XX lên tới 2.500 USD như mức hiện nay là một thành tựu đáng kể mà rất ít quốc gia đang phát triển đạt được.
Tổng thống Ram Nath Kovind cho biết, như Việt Nam, Ấn Độ đã tập trung cải cách nền kinh tế, nâng mức tăng trưởng và khai thác tiềm năng của người dân. Nhờ vậy, GDP của Ấn Độ đã tăng 8,2%, mức cao nhất trong số những nền kinh tế lớn trên thế giới. Đến năm 2025, dự kiến GDP của Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi, lên mức 5 nghìn tỷ USD so với con số 2,5 nghìn tỷ USD hiện nay.
Với những giải pháp kết nối số, cải cách kinh tế, kiềm chế tỷ lệ tăng dân số hiệu quả, tạo môi trường start up tốt, Ấn Độ dự kiến sẽ trở thành một thị trường tiêu dùng lớn thứ ba thế giới vào năm 2025. Đến nay, Ấn Độ đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng thế hệ mới với 100 thành phố thông minh, 7 hành lang đường sắt tốc độ cao và kết nối băng thông rộng.
Năm 2017, Ấn Độ đã xây dựng mới 10 nghìn km đường quốc lộ; cải cách hệ thống thuế... Nhờ vậy, Ấn Độ đã tăng 65 bậc, từ 142 vào năm 2014 lên thứ 77 năm 2018, về chỉ số kinh doanh đầu tư thuận lợi của Ngân hàng thế giới; chỉ số lạm phát được kiểm soát ở mức 3,3%; dự trữ ngoại hối đạt 400 tỷ USD; đầu tư nhận được 200 tỷ USD trong 5 năm qua.
Tổng thống Ram Nath Kovind cho rằng, bản thân các con số tăng trưởng trong các lĩnh vực đã thể hiện rõ tầm vóc trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Ấn Độ. Bày tỏ tin tưởng triển vọng tươi sáng trong quan hệ hợp tác hai nước, Tổng thống Ram Nath Kovind cho rằng, doanh nghiệp hai nước đang có cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, nền kinh tế số, hydro carbon, năng lượng tái tạo, y tế, hàng không dân dụng. Ấn Độ cũng muốn học hỏi Việt Nam trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị và du lịch, start up, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhấn mạnh nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, Tổng thống Ram Nath Kovind khẳng định, sản xuất nông nghiệp, chế xuất, dược phẩm, công nghệ sinh học đều là những lĩnh vực hứa hẹn trong hợp tác giữa hai bên. Cùng đó, với ưu thế là quốc gia có ngành dược phẩm lớn thứ ba thế giới về sản lượng, là nước cung cấp thuốc gốc lớn nhất thế giới, Ấn Độ có thể giúp Việt Nam nâng cao chất lượng y tế, cung cấp dược phẩm cho người dân với giá cả phải chăng. Các công ty dược phẩm của Ấn Độ cũng hướng tới mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.