(HNMO) - Ngày 16-11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Diễn đàn quốc gia về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các tỉnh, thành phố.
Sự kiện do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hoạt động giáo dục nghề nghiệp đang phát triển đúng hướng
Báo cáo tại diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, cả nước hiện có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 828 trường cao đẳng, trung cấp, còn lại là trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Nội dung, chương trình đào tạo được đổi mới theo hướng lấy người học là trung tâm, lấy tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả. Quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề luôn có sự đồng hành của người sử dụng lao động.
Sự nỗ lực từ nhiều phía đã, đang góp phần đưa hoạt động giáo dục nghề nghiệp phát triển đúng hướng. Bằng chứng là số người lựa chọn học nghề tăng từ gần 2,05 triệu lượt người vào năm 2016, lên hơn 2,21 triệu lượt người vào năm 2018, ước đạt 2,26 triệu lượt người trong năm 2019. Hơn 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ này đạt gần 100%. Đặc biệt, lao động qua đào tạo nghề có thể đảm nhận được những vị trí, công việc phức tạp, mà trước đây thường do chuyên gia nước ngoài thực hiện…
Cùng với sự phát triển của cả nước, hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở Thủ đô cũng có bước tiến mới cả về quy mô và chất lượng.
“Năm 2018, mạng lưới 365 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 210.000 lượt người, đạt 118,67% kế hoạch. Năm 2019, số lượng tuyển sinh, đào tạo ước đạt hơn 220.000 lượt người. Kết quả này góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội tăng từ 60,66% trong năm 2017 lên gần 70% vào năm 2019”, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin.
Với hướng phát triển tương tự, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác cũng có tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần hằng năm.
Kết quả đạt được trong đào tạo nguồn nhân lực rất đáng ghi nhận, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội. Học sinh, sinh viên ra trường còn yếu về năng lực ngoại ngữ, thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp; doanh nghiệp chưa “mặn mà” tham gia đào tạo nghề...
Khảo sát của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (NIVET) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, ước tính mới có hơn 12% doanh nghiệp hợp tác thường xuyên với hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng lao động Việt Nam mới đạt 3,79/10 điểm, đứng thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo nghề mới đạt hơn 20%, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển đạt hơn 50%...
Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, chất lượng nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định đối với sự tăng trưởng, phát triển toàn diện của đất nước. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, việc thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sâu vào công tác đào tạo nghề là giải pháp quan trọng, khả thi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về trách nhiệm giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực; quy định rõ danh mục ngành, nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo… Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề.
Đại diện cho phía sử dụng lao động, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị, Nhà nước có chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp trong cả ba không gian: Nhà trường, nhà máy và không gian mạng. Bởi lẽ, trong thời kỳ công nghệ số, việc kết nối giữa thị trường lao động và người lao động được thể hiện sinh động, đa chiều trên không gian số, cho nên cần tận dụng tối đa lợi ích của không gian này.
Là đơn vị tham gia đào tạo nghề, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT nhận định, các doanh nghiệp luôn ưu tiên tuyển dụng lao động qua đào đạo, cho nên việc phối hợp với các doanh nghiệp để đào nghề cho người lao động sẽ có bước phát triển theo chiều sâu, nếu hai bên có cùng mục tiêu.
Đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Lê Đình Kha, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, các nhà trường cần chủ động tìm kiếm doanh nghiệp và cam kết sẽ cung ứng cho họ nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan chức năng cần quan tâm đổi mới căn bản nội dung, chương trình đào tạo nghề, xã hội hóa hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông qua sự tham gia tích cực, chủ động của doanh nghiệp. Cùng với đó, hệ thống chính trị các cấp cần quan tâm, ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp phát triển…
Phát biểu kết luận diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác giáo dục nghề nghiệp những năm qua. Kết quả này góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta tăng nhanh, từng bước thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia…
Theo Thủ tướng Chính phủ, nguồn lực phát triển của Việt Nam hiện nay không phải là tài nguyên thiên nhiên “rừng vàng, biển bạc”, mà chính là gần 100 triệu người dân. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực là thế mạnh, là lợi thế cạnh tranh của các quốc gia; đồng thời là yếu tố nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, không có cách nào tốt hơn là phải đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng thu hút doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.