Với thông điệp “chạm để kết nối”, iHanoi được coi là kênh tương tác trực tuyến trên môi trường số nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, iHanoi là điểm truy cập để người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ do thành phố cung cấp trên môi trường số thông qua vai trò là một nền tảng để kết nối các dịch vụ và ứng dụng, kết nối giữa người dân và chính quyền. Thông qua kênh tương tác này, người dân, doanh nghiệp có thể phản ánh toàn diện các vấn đề về đời sống dân sinh bức xúc tới các cấp chính quyền để tiếp nhận, giải quyết kịp thời. Đây chính là tinh thần của Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 5-7-2024 của UBND thành phố Hà Nội về “Tăng cường phương thức tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp qua nền tảng “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”.
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, công dân số; tăng cường minh bạch hóa thông tin và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Hà Nội cũng là địa phương được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Quyết định 06/QĐ-CP ngày 6-1-2022 của Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) giao thực hiện thí điểm một số nội dung quan trọng trước khi nhân rộng.
Để tạo nền tảng xây dựng công dân số, Hà Nội đã làm sạch dữ liệu dân cư, hộ tịch; thu nhận hồ sơ Căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, đăng ký, quản lý cư trú và tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, Hà Nội thí điểm xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện mở tài khoản phục vụ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt...
Bên cạnh kết quả đạt được cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn tình trạng người dân, doanh nghiệp chưa thực hiện dịch vụ công một phần, toàn trình trên các Cổng dịch vụ công. Thành phố chưa hoàn thành được việc số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra, còn một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; thu nhận hồ sơ định danh điện tử; thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe tĩnh; cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID…
Xây dựng chính quyền số, công dân số là xu thế tất yếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với vị thế Thủ đô, Hà Nội cần đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Để làm được điều đó, trước hết cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các sở, ngành, địa phương, không chỉ trong triển khai iHanoi mà cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó là đẩy mạnh tích hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử giữa các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tập trung đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình, thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân.
Việc xây dựng công dân số sẽ khó trở thành hiện thực nếu mỗi người dân Thủ đô không chủ động tương tác trên môi trường mạng, trong đó có việc cài đặt ứng dụng iHanoi để sử dụng các ứng dụng, tiện ích, dịch vụ phát triển trên môi trường điện tử của Thủ đô thời gian tới. Vì vậy, mỗi người dân cần chung tay xây dựng thành phố xanh, thông minh, hiện đại bằng việc tích cực tham gia để trở thành công dân số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.