Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nền tảng tốt cho tương lai

Thống Nhất| 16/07/2021 08:59

(HNNN) - Dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song với sự chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của lãnh đạo thành phố, sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, giáo viên, học sinh, ngành Giáo dục Thủ đô đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ năm học 2020 - 2021. Xây dựng trường học đạt chuẩn và cải thiện tình trạng dinh dưỡng là nhiệm vụ trọng tâm được tập trung triển khai và đạt kết quả nổi bật, tạo chuyển biến trong giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, tạo nền tảng tốt cả về thể lực, trí lực cho thế hệ tương lai.

Ưu tiên mọi nguồn lực để xây trường đạt chuẩn

Một trong những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục Thủ đô năm 2020 là đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn. Cụ thể, chỉ tiêu thành phố giao xây dựng 104 trường, đã thực hiện được 122 trường, đạt 117,3%. Tính đến hết năm 2020, toàn thành phố có 1.694/2.204 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ gần 77%.

Để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố đề ra là có từ 80% đến 85% số trường học công lập đạt chuẩn, ngành Giáo dục Hà Nội đã xây dựng kế hoạch bổ sung trường chuẩn quốc gia ở từng giai đoạn với mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn để tạo ra “sản phẩm” là các thế hệ học sinh đạt chuẩn. Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại thông tin, để đạt tỷ lệ 85% số trường đạt chuẩn vào năm 2025, thành phố cần xây dựng thêm 360 trường chuẩn quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn của toàn thành phố vào năm 2015 là 2.054 trường. Theo lộ trình đã triển khai tới các quận, huyện, thị xã, năm 2021, các địa phương sẽ xây dựng thêm 85 trường chuẩn quốc gia. Kết quả đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn của các địa phương thời gian qua đã để lại kinh nghiệm, cũng là căn cứ để ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục nỗ lực trong công tác tham mưu, đẩy nhanh tiến độ triển khai với quyết tâm cố gắng cán đích trước hạn.

Là một trong những địa phương luôn nằm trong tốp dẫn đầu của thành phố về kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia hằng năm, quận Thanh Xuân luôn ưu tiên mọi nguồn lực cho nội dung này với quyết tâm tạo điều kiện tốt nhất để thầy, trò dạy tốt, học tốt. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu thông tin: Tính đến tháng 6-2021, toàn quận có 38/45 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,4%. Việc đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đã góp phần tạo đà cho ngành Giáo dục quận Thanh Xuân duy trì vững chắc kết quả 5 năm liên tục dẫn đầu thành phố về chất lượng giáo dục. Xác định việc xây dựng trường chuẩn là nhiệm vụ quan trọng, có tác động trực tiếp tới việc nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng chỉ đạo 100% các trường tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa để nâng cao hơn nữa mức độ đạt chuẩn.

Dù ngân sách còn hạn chế, việc huy động xã hội hóa khó khăn, song với quan điểm ưu tiên hàng đầu cho giáo dục, trong đó có việc đầu tư xây dựng trường chuẩn, huyện Thanh Oai hiện có 57 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 80,3% tổng số trường trên địa bàn. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Nguyễn Đức Lượng cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng đã và đang được ngành tích cực triển khai là tham mưu UBND huyện tập trung đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Đồng thời, Phòng chỉ đạo các nhà trường phát huy tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà, nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường Tiểu học Yên Viên (huyện Gia Lâm) đạt chuẩn mức độ 2. Ảnh: Quang Thái

Thấu hiểu mong muốn gửi con theo học ở ngôi trường đạt chuẩn, thời gian qua, huyện Gia Lâm đã huy động sự chung sức của cả hệ thống chính trị các cấp để có được 70 trường đạt chuẩn, chiếm 90% tổng số trường trên địa bàn, trong đó có 11 trường được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Bà Nguyễn Thị Mến, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) - đơn vị được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn mức độ 2 vào tháng 2-2021, chia sẻ: “So với trước đây, các điều kiện chăm sóc, giáo dục học sinh ở trường được đầu tư nhiều hơn. Ngoài việc học, các con có thêm sân tập, nhà đa năng với nhiều dụng cụ tập luyện để rèn luyện thể chất; điều kiện chăm sóc bán trú cũng tốt hơn”.

Cải thiện chất lượng dinh dưỡng

Dấu ấn khó quên với các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố là sự hỗ trợ đầy ý nghĩa của Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2018 - 2020. Là phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ), chị Kiều Thị Mai bày tỏ: “Nhờ sự hỗ trợ của ngân sách thành phố và doanh nghiệp, trong hai năm qua, mỗi ngày con tôi đều được uống một hộp sữa nhưng gia đình chỉ phải đóng góp một nửa giá thành. Đặc biệt, những học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số được uống miễn phí. Nhờ được bổ sung nguồn dinh dưỡng thường xuyên, sức đề kháng của con tốt hơn. Những băn khoăn, lo lắng ban đầu đã được giải tỏa. Chúng tôi cũng thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc bổ sung dinh dưỡng đối với sức khỏe của con và mong muốn ngày càng có thêm nhiều học sinh được uống sữa hằng ngày tại trường”.

Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết: Toàn thành phố có gần 1,1 triệu trẻ mầm non và học sinh tiểu học được uống sữa hằng ngày, chiếm tỷ lệ gần 92% trong tổng số trẻ/ học sinh thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình, trong đó cấp mầm non đạt gần 95%, cấp tiểu học đạt 90%. Nhiều địa phương đã rất tích cực triển khai Chương trình với quyết tâm huy động tối đa số trẻ/học sinh trong độ tuổi được uống sữa để tăng sức đề kháng, cải thiện thể lực, từ đó học tập và rèn luyện tốt hơn.

Để duy trì được tỷ lệ trẻ mầm non và học sinh tiểu học tham gia Chương trình sữa học đường ở mức gần 91%, các trường học thuộc quận Hà Đông đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới phụ huynh học sinh. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, trong suốt thời gian triển khai, các nhà trường đã tận dụng tối đa các kênh thông tin, nhờ đó phụ huynh học sinh đều tự nguyện tham gia, hiểu rõ chủ trương và ý nghĩa nhân văn của Chương trình. Phòng cũng phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế quận trong công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai tại các nhà trường để bảo đảm tính minh bạch, an toàn. Để bảo đảm công bằng trong việc thụ hưởng Chương trình, Phòng cũng tăng cường tuyên truyền tới các trường, nhóm lớp ngoài công lập để trẻ mầm non, học sinh theo học ở loại hình trường nào cũng đều được uống sữa. Đã có 64% số trẻ mầm non, học sinh tiểu học ngoài công lập được uống sữa hằng ngày.

Là địa bàn còn nhiều khó khăn, điều kiện sống của nhiều người dân còn hạn chế, Chương trình sữa học đường đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của phụ huynh học sinh các trường học thuộc huyện Ba Vì. Tỷ lệ trẻ mầm non và học sinh tiểu học tham gia uống sữa cao hơn mức trung bình của toàn thành phố, với trên 95%. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, tổng số tiền ngân sách hỗ trợ cho Chương trình là hơn 14,5 tỷ đồng. Qua khảo sát, có gần 96% phụ huynh trẻ mầm non, gần 92% phụ huynh học sinh tiểu học bày tỏ sự tin tưởng và mong muốn Chương trình tiếp tục được triển khai.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định: Kết quả hưởng ứng của học sinh các nhà trường cho thấy, thành phố Hà Nội đã triển khai thành công Chương trình sữa học đường theo đúng Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ và đạt mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hằng ngày nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Cùng với việc hoàn thiện, phát huy các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần tăng tỷ lệ trường học đạt chuẩn, căn cứ nguyện vọng của phụ huynh học sinh, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục triển khai Chương trình sữa học đường giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo các điều kiện tốt nhất để học sinh được phát triển toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu học tập theo chương trình, sách giáo khoa mới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo nền tảng tốt cho tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.