Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo nền cho chất lượng “đầu vào” lớp 10

Hồng Hạnh| 08/10/2020 07:23

(HNM) - Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp trung học cơ sở, đặc biệt là lớp 9, tạo nền tảng tốt cho chất lượng “đầu vào” lớp 10 là mục tiêu trọng tâm của ngành Giáo dục Hà Nội năm học 2020-2021. Các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố đang cụ thể hóa mục tiêu trên bằng nhiều giải pháp.

Ngành Giáo dục Hà Nội đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để tạo nền chất lượng “đầu vào” lớp 10 ngay từ đầu năm học 2020-2021. Ảnh: Đỗ Tâm

Vẫn còn khoảng cách

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, quy mô giáo dục cấp trung học cơ sở trên địa bàn thành phố hiện có 647 trường với gần 474.000 học sinh. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang đánh giá: Năm học 2019-2020, cấp trung học cơ sở tiếp tục có chuyển biến về chất lượng. Toàn thành phố có 98,7% số học sinh xếp loại hạnh kiểm khá và tốt; tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu giảm từ 0,61% ở năm học 2018-2019, xuống còn 0,37%. Về học lực, tỷ lệ học sinh xếp loại khá và giỏi đạt 75,8%; tỷ lệ học sinh xếp loại yếu và kém giảm từ 2,6% ở năm học 2018-2019, xuống còn 2,05%. Tuy nhiên, sự chuyển biến này cần tiếp tục cải thiện, bởi tỷ lệ học sinh xếp loại học lực yếu và kém còn cao.

Đáng chú ý, kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020-2021 của học sinh ở 30 quận, huyện, thị xã vẫn còn khoảng cách rõ nét. Đơn cử như quận Cầu Giấy là đơn vị dẫn đầu thành phố với tổng điểm xét tuyển trung bình của học sinh là 39,74 điểm (cho 3 môn thi, trong đó môn ngữ văn và toán tính hệ số 2), tức là mỗi môn trung bình 7,9 điểm. Trong khi đó, các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức... vẫn là những đơn vị xếp cuối về kết quả thi như kỳ thi năm học 2019-2020, chưa có sự cải thiện so với năm học trước. Tổng điểm xét tuyển trung bình của học sinh tại các địa bàn này chỉ đạt từ 25,8 đến dưới 27,0 điểm, tức là trung bình mỗi môn đạt hơn 5,0 điểm.

Theo bà Hoàng Thị Xuân, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở An Phú (huyện Mỹ Đức), đời sống của người dân cũng như điều kiện học tập của các trường khu vực ngoại thành còn khó khăn, nên ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh. Còn Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho rằng, ngoài yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất, có nhiều nguyên nhân khác ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, như sĩ số học sinh/lớp quá đông, việc đổi mới phương pháp dạy - học và đánh giá chưa thực sự hiệu quả…

“Xây” chất lượng thực

Chia sẻ, nhân rộng những giải pháp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cấp trung học cơ sở là cách làm đang được triển khai tại các đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội, nhằm tạo nền cho chất lượng “đầu vào” lớp 10 ngay từ đầu năm học 2020-2021.

Với kinh nghiệm của đơn vị hai năm liền duy trì vị trí dẫn đầu trong 17 trường trung học cơ sở của quận Hoàng Mai, xếp thứ 4 của thành phố, Trường Trung học cơ sở Tân Định đề cao sự phối hợp, đồng hành của gia đình với nhà trường. “Nhiều học sinh của trường là người ngoại tỉnh theo bố, mẹ đến thuê trọ tại địa bàn, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Do đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm theo sát hỗ trợ từng học sinh trong suốt quá trình học tập từ lớp 6 đến khi lựa chọn nguyện vọng thi phù hợp để các em đỗ vào lớp 10 trường công lập”, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Định Chu Thị Xuân Hường chia sẻ.

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa Tạ Ngọc Thắng, quận ưu tiên đầu tư mở rộng trường, lớp học để giảm sĩ số học sinh/lớp. Nhờ đó, sĩ số trung bình/lớp của các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận đã giảm từ 45,3 học sinh/lớp, xuống còn 41 học sinh/lớp, tạo điều kiện để mọi học sinh đều được quan tâm.

Nâng cao chất lượng chuyên môn và tâm huyết với nghề của đội ngũ giáo viên là cách làm của các trường học trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ cho biết, đơn vị tập trung đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên theo hướng không hành chính hóa; dành nhiều thời gian để giáo viên chia sẻ, tháo gỡ những nội dung còn vướng mắc; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cốt cán, làm nòng cốt để lan tỏa tới đội ngũ giáo viên toàn ngành. Công tác kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện thực chất, tuyệt đối không vì “bệnh thành tích”. 

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, năm học 2020-2021, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục tham mưu với UBND thành phố tăng cường đầu tư để nâng cao điều kiện dạy và học ở các nhà trường, trong đó ưu tiên cho các trường học thuộc khu vực khó khăn, miền núi, nhằm giảm khoảng cách về điều kiện, chất lượng giáo dục giữa các nhà trường; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nhất là tại khu vực các huyện, bảo đảm điều kiện học tập chất lượng hơn.

“Đây cũng là năm học toàn ngành tập trung đổi mới phương pháp dạy, học và kiểm tra, đánh giá một cách hiệu quả, triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ học sinh tiến bộ”, ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo nền cho chất lượng “đầu vào” lớp 10

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.