(HNM) - Sáng 27-6 (theo giờ địa phương), tại thành phố Toronto, Canada đã diễn ra phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao G-20 với chủ đề "Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng".
* Thủ tướng tham dự phiên họp với các trưởng đoàn G-20
(HNM) - Sáng 27-6 (theo giờ địa phương), tại thành phố Toronto, Canada đã diễn ra phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao G-20 với chủ đề "Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng".
Đây là chủ đề được các nhà lãnh đạo G-20 thông qua nhằm bảo đảm sự phục hồi và phát triển bền vững của kinh tế thế giới tại Hội nghị Cấp cao G-20 lần thứ 3 (Pitxbớc tháng 9-2009).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao G-20. Ảnh: TTXVN |
Hội nghị có sự tham dự của đại diện các nước G-20, các nước khách mời gồm Việt Nam, Malauy, Êthiopia, Tây Ban Nha và Hà Lan, các tổ chức quốc tế gồm Liên hợp quốc, IMF, WB, ILO, UNDP, WTO… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên cương vị người đứng đầu nước Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự hội nghị và nêu bật những quan điểm của ASEAN về vấn đề này.
Sau bài phát biểu của Thủ tướng nước chủ nhà Stephen Harper, các nhà lãnh đạo đã thảo luận báo cáo về các lựa chọn chính sách với nội dung chủ yếu: Khuyến nghị các nước G-20 cố gắng đạt được kịch bản cao về triển vọng kinh tế thế giới; Phân loại các nước thành viên G-20 thành 5 nhóm nước chủ yếu để đưa ra các biện pháp khuyến nghị chính sách đối với từng nhóm nước; Thúc đẩy chi tiêu tài chính bền vững mà trọng tâm là thúc đẩy củng cố tài khóa tại các nền kinh tế phát triển nhằm giảm nợ chính phủ và các rủi ro tài khóa khác; Hướng tới nền kinh tế toàn cầu cân bằng hơn, trong đó trọng tâm là giảm các mất cân đối toàn cầu; Thúc đẩy cải cách cơ cấu chủ yếu tập trung vào các biện pháp cải cách các thị trường sản phẩm, dịch vụ và lao động tại các nước G-20; Thúc đẩy các khuôn khổ chính sách tiền tệ lành mạnh nhằm bảo đảm ổn định giá cả cũng như bảo đảm cơ chế tỷ giá vận hành phù hợp với các quy luật kinh tế…
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các nước ASEAN đánh giá cao việc các Nhà lãnh đạo G-20 thông qua Khuôn khổ Tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng tại Hội nghị Cấp cao Pitxbớc, đồng thời ủng hộ các nội dung của Khuôn khổ, đặc biệt mục tiêu tập trung cao nhất các nỗ lực cho việc phục hồi mạnh mẽ, bền vững và cân bằng và tạo dựng một hệ thống tài chính lành mạnh là cốt lõi của tăng trưởng bền vững. Thủ tướng bày tỏ nhất trí cần thúc đẩy phục hồi đều khắp, ở mọi nhóm nước, kể cả các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, tạo thuận lợi hơn nữa cho phục hồi và tăng trưởng bền vững ở các nền kinh tế này, nhất là khi các nước này đang là động lực của phục hồi kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, ASEAN ủng hộ và cam kết tiếp tục nỗ lực phối hợp chính sách của mình với các lựa chọn chính sách của G-20; đề nghị thiết lập một cơ chế phối hợp chính sách chặt chẽ hơn giữa G-20 và ASEAN, bắt đầu từ sự tham gia chủ động và tích cực của ASEAN vào quá trình ra chính sách của G-20 và tiếp theo là quá trình tiếp nhận, thích ứng hóa và hài hòa hóa các lựa chọn chính sách này với chính sách của ASEAN, và cuối cùng là cơ chế phản hồi.
* Trước đó, tối ngày 26-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các trưởng đoàn G-20 đã có buổi làm việc với chủ đề "Kinh tế thế giới: Triển vọng và thách thức". Các nhà lãnh đạo tham dự phiên họp cho rằng từ đầu năm 2010, kinh tế thế giới đã có bước phục hồi rõ nét và nhanh hơn dự kiến nhờ những gói kích thích kinh tế và nỗ lực cải cách của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các nước và khu vực khác nhau. Các nền kinh tế phát triển như Mỹ, khu vực châu Âu, Anh và Nhật Bản phục hồi tương đối chậm, trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, đặc biệt ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN phục hồi mạnh mẽ, là động lực quan trọng cho sự phục hồi chung của nền kinh tế toàn cầu.
Quan điểm của Việt Nam với tư cách đại diện các nước ASEAN là cơ bản chia sẻ và ủng hộ các nỗ lực của G-20 đối phó với những thách thức trước mắt (thâm hụt ngân sách, nợ công, lạm phát…) nhằm bảo đảm kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và tránh nguy cơ bất ổn tài chính tại một số nước lan rộng thành khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, song song với quá trình này, các nước cần tiếp tục quan tâm đến các vấn đề mang tính dài hạn và cốt lõi như bảo đảm sự phát triển bền vững, cân bằng và đều khắp của kinh tế thế giới và các khu vực; giải quyết các vấn đề phát triển, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển; đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và an ninh năng lượng...
* Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) được tổ chức tại Toronto (Canada), ngày 26-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với Phó Thủ tướng Australia Wayne Swan, Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan và Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.