Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá từ ứng dụng cơ giới hóa

Đỗ Minh| 14/03/2018 07:04

(HNM) - Trong xu thế cuộc Cách mạnh công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến sẽ tạo bước đột phá để bảo đảm tăng trưởng bền vững. Bằng nhiều nỗ lực, việc đưa cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất thay thế sức lao động đang được mở rộng ở khu vực ngoại thành…

Sử dụng máy cấy lúa vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Chương Mỹ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Sơn Hà



Những chuyển biến rõ nét

Vụ xuân 2018, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai đăng ký mô hình mạ khay, cấy bằng máy với diện tích gần 9ha giống lúa Thiên ưu 8. Chị Nguyễn Thị Mai, xã Ngọc Mỹ chia sẻ: Vụ xuân năm nay rét đậm, rét hại kéo dài đã tác động đến tiến độ sản xuất. Tuy nhiên, do thực hiện mô hình mạ khay, cấy bằng máy nên vẫn bảo đảm trong khung thời vụ. “Ruộng lúa được cấy bằng máy và mạ khay đều xanh, tốt, rảnh mạ to, mật độ cấy phù hợp. Chưa kể, cấy bằng máy nhanh hơn gấp nhiều lần so với cấy bằng tay” - chị Mai cho biết.

Không riêng xã Ngọc Mỹ, vụ xuân năm nay, Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai còn tổ chức sản xuất mạ khay bằng các giống Thiên ưu 8, TBR 225, BC15 để gieo cấy cho 50ha lúa ở 8 xã trên địa bàn huyện với giá 250.000 đồng/sào bao gồm cả mạ khay và cấy bằng máy. So với gieo cấy truyền thống thì phương pháp này chi phí giảm từ 100.000 đến 150.000 đồng/sào. Cấy bằng máy rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa từ 5 đến 7 ngày, ruộng thông thoáng ít sâu bệnh, lúa đẻ nhánh khỏe, năng suất cao hơn so với cấy bằng tay từ 7 đến 10%.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết: Việc đưa dịch vụ cung ứng mạ khay và cấy bằng máy giúp các địa phương trên địa bàn huyện hình thành vùng trồng lúa hàng hóa tập trung, giảm chi phí, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trong những năm gần đây.

Không chỉ trong trồng lúa, nhiều địa phương khu vực ngoại thành đã ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ vào sản xuất rau, cây ăn quả, chăn nuôi… Điển hình như mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong thâm canh bưởi Diễn tại xã Nam Phương Tiến do UBND huyện Chương Mỹ phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả triển khai, cho thu nhập hơn 800 triệu đồng/ha. Hoặc mô hình ứng dụng hệ thống quan trắc thời tiết vào sản xuất rau an toàn tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ đã giúp cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Hiện khu vực sản xuất rau xanh ứng dụng công nghệ này có diện tích hơn 5ha theo quy trình an toàn và hữu cơ với sản lượng 6 tấn rau/ngày, sản phẩm chủ yếu cung ứng cho siêu thị, nhà hàng, cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố…

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, những năm gần đây, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố tăng khá. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt, cơ giới hóa khâu làm đất tăng cao nhất, đạt 95% diện tích, gặt bằng máy đạt 45,5%, phun thuốc trừ sâu bằng máy đạt 28,8%, cấy bằng máy đạt 2,45% diện tích. Với lĩnh vực chăn nuôi, cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa tăng cao, khâu vắt sữa đạt 37,7%, khâu thái cỏ đạt 68%…

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Theo tính toán, cơ giới hóa đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10 đến 15%, giảm chi phí sản xuất từ 0,7 đến 2,8 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế tăng từ 1,1 đến 1,2 lần so với lao động thủ công. Hiệu quả từ cơ giới hóa rất rõ ràng và đã được khẳng định qua thực tế ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, những chính sách để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến đang gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Việc tích tụ ruộng đất với quy mô lớn đang là khó khăn; trong khi đó, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ cũng sẽ hạn chế ứng dụng cơ giới hóa.

Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới cơ sở bảo hành, dịch vụ, sửa chữa, cung ứng phụ tùng thay thế máy nông nghiệp ở các địa phương cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ giới hóa trong chăn nuôi còn ở mức độ thấp, chủ yếu thực hiện ở khâu chế biến thức ăn và vệ sinh chuồng trại. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là ở cấp xã, chưa quan tâm đúng mức, chưa thực sự quyết liệt, năng động nên chưa có giải pháp mang tính đột phá để tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện cơ giới hóa...

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất lên hơn 95%, khâu cấy lên 40%, gặt đập lên 60%. Trong chăn nuôi, nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu thái cỏ và vắt sữa bò lên 90%, làm mát chuồng trại lợn, gà đạt 30%... Để đạt mục tiêu này, Hà Nội sẽ tập trung tháo gỡ về tích tụ ruộng đất, tạo cơ chế hỗ trợ về tín dụng và chính sách, đồng thời, phát huy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp. Tính đến hết năm 2017, thành phố có 932 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 917 hợp tác xã tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, 15 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT còn tổ chức 18 lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý chuyên môn cho hơn 1.000 cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp... Đây là cơ sở để đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá từ ứng dụng cơ giới hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.