(HNM) - Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đã được nửa chặng đường, với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU) đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU cũng như một số giải pháp nhằm tạo đột phá trong nông nghiệp, nông thôn tại Thủ đô thời gian tới.
Những kết quả tích cực
- Nửa chặng đường thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nhất là những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, song thành phố Hà Nội vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đồng chí có thể cho biết một số kết quả nổi bật?
- Được sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người dân, việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình có sự chuyển biến rõ rệt; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện...
Đến nay, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Còn 3 huyện: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Đáng chú ý, đến hết năm 2021 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, đến hết năm 2022, Hà Nội có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,17%, trong đó có 5 huyện không còn hộ nghèo gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; chất lượng môi trường nông thôn được cải thiện rõ nét.
- Kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, song phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Xin đồng chí có thể làm rõ hơn về điều này?
- Bên cạnh kết quả mang ý nghĩa nền tảng, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Một số chỉ tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU đạt tỷ lệ thấp, như tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (năm 2025 đạt 70%, đến hết năm 2022 mới đạt 40%); thu nhập người dân khu vực nông thôn (năm 2025 đạt 80 triệu đồng/người/năm, nhưng năm 2022 mới đạt 56,3 triệu đồng/người/năm). Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật khu vực nông thôn ở một số địa phương còn thiếu đồng bộ. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế. Đời sống nông dân còn nhiều khó khăn; việc đào tạo nghề cho nông dân, nhất là nghề phi nông nghiệp ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu…
Đáng chú ý, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số địa phương, đơn vị thiếu năng động, sáng tạo. Một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn coi nhẹ, như: Tiêu chí về an ninh trật tự, môi trường…
- Chương trình số 04-CTr/TU đặt ra nhiều mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về những mục tiêu này?
- Mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU là: Xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất, thiết thực, hiệu quả và bền vững hơn, gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị.
Về bộ Tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thành phố đã chỉ đạo xây dựng theo hướng phát triển đô thị để các địa phương triển khai thực hiện, tránh lãng phí đầu tư đối với các xã, huyện đang phấn đấu thành phường, quận; đồng thời, nâng cao đời sống vật chất cho người dân nông thôn, tiệm cận với đô thị. Thành phố chỉ đạo 5 huyện có đề án xây dựng quận đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới nâng cao trước khi thành phường, quận.
Xây dựng nông thôn giàu bản sắc
- Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU nói chung, triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nói riêng, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đồng chí có thể đánh giá về những đổi thay trên địa bàn nông thôn?
- Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đã thực sự tạo ra những miền quê đáng sống, còn người dân thì tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình đó, người dân thể hiện rõ vai trò vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng. Điều này còn thể hiện qua việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân trong việc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tại các xã, huyện đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đều đạt rất cao, người dân khi được hỏi đều đồng tình, hồ hởi với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, từ đó xuất hiện nhiều những tấm gương bà con tự nguyện hiến đất, hiện vật để làm đường, xây dựng các thiết chế văn hóa; đóng góp trí tuệ, sức người, sức của, cùng chung tay làm đổi thay diện mạo quê hương.
- Nông thôn Hà Nội chịu tác động rất lớn từ tiến trình đô thị hóa. Hà Nội đã và đang làm gì để xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng?
- Xây dựng nông thôn mới là điều kiện quan trọng, điều kiện cơ bản để từ đó bước những bước dài, rộng hơn trong xây dựng làng quê, đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Hà Nội sẽ phát huy tài nguyên vốn có là làng nghề, văn hóa truyền thống, kết hợp với sức mạnh công nghệ để tạo sự khác biệt trong phát triển. Thành phố chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái để vừa tạo ra giá trị thặng dư, vừa phát triển cộng đồng hướng đến văn minh, nâng cao chất lượng nông nghiệp, nông thôn...
Ngoài ra, Hà Nội tập trung nguồn lực và tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ chiến lược về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở các xã dân tộc miền núi; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, dân số. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng các quy ước, hương ước, phát huy truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, tình làng, nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn hóa ở nông thôn, chung tay xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn cùng với đời sống vật chất tinh thần phong phú, đa dạng để các xã trở thành miền quê đáng sống.
Đẩy nhanh phát triển điều kiện sinh hoạt nông thôn (điện, đường, trường, trạm, y tế, giáo dục, dịch vụ…) theo hướng đô thị; giữ vững và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng “nông thôn mới, đô thị văn minh” với các mô hình cụ thể, việc làm cụ thể.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.