Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá phát triển du lịch bằng công nghệ

Minh An| 27/05/2018 07:41

(HNM) - Trong thế giới phẳng hiện nay, việc ứng dụng thành tựu công nghệ trong phát triển du lịch cần được nhân rộng nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách cũng như ngành Du lịch Thủ đô.

Du khách khi đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ được sử dụng hệ thống thuyết minh tự động để tìm hiểu thông tin về di tích.Ảnh: Sơn Hà


Hướng đến sự tiện dụng cho du khách

Tại buổi khai trương Trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360o vừa được tổ chức, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết: “Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của TP Hà Nội, nơi có nhiều di tích gắn liền với lịch sử văn hóa, truyền thống Thăng Long văn hiến, với nhiều tuyến phố sầm uất, tuyến phố văn minh thương mại, tuyến phố ẩm thực, trung tâm thương mại, Hoàn Kiếm có đủ điều kiện phát triển kinh tế toàn diện, trong đó du lịch là thế mạnh được quan tâm đầu tư”.

Tuy nhiên, để có thể tra cứu, khám phá những nét hay, đẹp hoặc nắm được thông tin về các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, hệ thống lưu trú… trên địa bàn, nhất là ở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là vấn đề không dễ với khách nước ngoài. Theo ông Dương Đức Tuấn, quận Hoàn Kiếm đã lập Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh trang thông tin 360o phục vụ công tác quản lý và phát triển du lịch quận Hoàn Kiếm giai đoạn 2016-2020”, với mong muốn mang đến cho các nhà quản lý, người dân, du khách trong và ngoài nước những góc nhìn mới, đầy đủ thông tin hơn về quận Hoàn Kiếm bằng công nghệ hiện đại.

Với Trang thông tin điện tử "Hoàn Kiếm 360o" hiện đại nhất hiện nay trong lĩnh vực thông tin và truyền thông về du lịch, người dân và du khách có thể tìm hiểu, tham quan quận Hoàn Kiếm dễ dàng ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Đáng chú ý, trên trang thông tin còn có phần mềm trợ lý du lịch ảo (MAG) chạy trên hai nền tảng di động cơ bản là IOS và Android, người dùng đưa ra yêu cầu cho MAG bằng giọng nói của mình và MAG sẽ trả lời lại bằng âm thanh. Ngoài hỗ trợ cung cấp thông tin, chỉ đường, đặt vé… MAG còn hỗ trợ khách du lịch trong phiên dịch các câu nói cơ bản.

Nhằm thu hút khách du lịch, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng triển khai xây dựng ứng dụng trên điện thoại di động thông minh phần thuyết minh hướng dẫn tham quan tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Theo bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội), đến với khu di sản, khách tham quan khó có thể cảm nhận được toàn bộ giá trị lắng đọng qua từng lớp trầm tích lịch sử, nếu không được hỗ trợ bằng hình thức thuyết minh, hướng dẫn tham quan. Ứng dụng này ra đời là bước đột phá trong nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. Khi người dùng tải ứng dụng về điện thoại cá nhân, họ có thể đọc nội dung diễn giải, xem các hình ảnh minh họa và đặc biệt được xem nội dung hướng dẫn tham quan dưới dạng video... Ứng dụng cung cấp cho người dùng hoàn toàn miễn phí với 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Nhật. Sau 4 tháng triển khai đã có khoảng 6.000 lượt người tải, điều đó cho thấy ứng dụng đã đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Tương tự, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào sử dụng hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide) với 8 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc. Thiết bị được nối vào tai nghe và hoạt động dựa theo bộ định vị cài sẵn ở các địa điểm cần thuyết minh. Bản thuyết minh tương đối chuẩn hóa, dựa trên những cơ sở khoa học, được lấy ý kiến của các chuyên gia văn hóa, sử học, bảo tàng về nội dung. Và hiện tại, nhiều di tích, bảo tàng cũng đang thực hiện mô hình thuyết minh tự động nêu trên, như: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật…


Du khách tìm hiểu Trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360o. Ảnh: Quang Phú


Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ

Sự xuất hiện của Trang thông tin điện tử “Hoàn Kiếm 360o”, hay ứng dụng trên điện thoại di động thuyết minh hướng dẫn tham quan tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, phần mềm thuyết minh tự động tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám... cho thấy, đây là xu thế không thể đảo ngược trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng là sự cụ thể hóa xu hướng xây dựng “Du lịch thông minh”.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, ứng dụng công nghệ để quảng bá di sản, phục vụ du khách, nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp hóa là xu hướng không thể bỏ qua, buộc các khu di sản, bảo tàng phải đầu tư, nâng cấp theo hướng tiện dụng tối đa cho khách. Song, mức độ áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào phát triển du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là sự thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, sự nghèo nàn về hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch.

Được biết, Sở Du lịch Hà Nội đang phối hợp với Tổng công ty Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng hệ thống du lịch thông minh cho TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020. Đến nay, mới có hệ thống mạng wifi miễn phí phục vụ khách du lịch ở Không gian khu vực đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã hoàn tất và một số gói khác đang trong quá trình triển khai. Khi hoàn thành hệ thống nêu trên, người dân, du khách, các doanh nghiệp (nhà hàng, khách sạn, hãng lữ hành, vận chuyển), thậm chí cả cơ quan quản lý nhà nước sẽ được kết nối với nhau.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực du lịch như ở quận Hoàn Kiếm, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám… cần được nhân rộng. Đó là việc phải làm sớm, không thể chậm trễ, nhất là khi các cấp, ngành chức năng, doanh nghiệp đều mong muốn xây dựng Hà Nội là điểm đến thông minh, bên cạnh sự an toàn, thân thiện, mến khách…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá phát triển du lịch bằng công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.