(HNM) - TP Hà Nội luôn coi trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm việc, ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và hội nhập quốc tế. Cuộc trao đổi của phóng viên Báo Hànộimới với ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội sẽ làm rõ hơn những đổi mới và đột phá trong công tác này.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa. |
100% công chức đạt chuẩn
- Thời gian qua, TP Hà Nội đã nỗ lực nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Xin ông cho biết kết quả đạt được tính đến thời điểm này?
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố trong 5 năm qua đã đạt và vượt các chỉ tiêu theo quy định của Chính phủ, UBND thành phố, đạt tiêu chuẩn ngạch, chức danh và các kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.
Cụ thể, toàn thành phố hiện có 132.569 công chức, viên chức (8.325 công chức và 124.244 viên chức), trong đó, 468 người có trình độ tiến sĩ (80 công chức, 388 viên chức), 8.086 người có trình độ thạc sĩ (1.549 công chức, 6.537 viên chức), 70.280 người có trình độ đại học (5.520 công chức, 64.760 viên chức), số còn lại có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.
Ngoài ra, toàn thành phố có 6.688 cán bộ, 7.160 công chức cấp xã. So với năm 2015, số cán bộ đạt chuẩn theo quy định tăng từ 85 lên 92%; số công chức đạt chuẩn tăng từ 99 lên 100%. Trong đó, số cán bộ, công chức được cử đi đào tạo trình độ Cao cấp lý luận chính trị là 586 người. Thành phố đã tổ chức 52 lớp Trung cấp lý luận chính trị, với 5.105 người.
- Ông đánh giá thế nào về những cán bộ đã tham gia các lớp đào tạo?
- Những cán bộ được đào tạo về lý luận chính trị đã nắm vững và hiểu rõ chức trách, công việc đảm nhiệm, có kiến thức chuyên môn vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Những cán bộ này luôn có ý thức tự giác học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sáng tạo trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cần khắc phục những hạn chế
- Trên thực tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng, dàn trải, chất lượng chưa cao… Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Có một số nguyên nhân chính khiến công tác này còn hạn chế, đó là công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Một số nội dung đào tạo, bồi dưỡng chưa phù hợp, chưa gắn với yêu cầu công việc nên hiệu quả còn thấp; chưa có nhiều chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng. Đội ngũ giảng viên còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài cũng đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, việc ứng dụng kết quả đào tạo vào thực tiễn của thành phố còn hạn chế.
Đặc biệt là đến nay, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đã bộc lộ một số bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này.
- Thực tế này đòi hỏi trong thời gian tới thành phố cần triển khai những giải pháp gì?
- Tôi cho rằng, trước tiên, cần nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức - đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách trong việc tham gia, tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc. Cùng với đó, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực đào tạo; đa dạng, linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với chương trình, đối tượng (tập trung, bán tập trung, bồi dưỡng theo hình thức học trực tuyến) và tăng cường hợp tác quốc tế.
Nâng cao năng lực, trách nhiệm và kỹ năng ứng xử
- UBND thành phố đã chính thức ban hành Quyết định số 2315/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Ông đánh giá thế nào về nội dung cũng như tính khả thi của Đề án này?
- Đề án đã bao quát được các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý; công chức; cán bộ, công chức cấp xã; viên chức chuyên môn một số ngành: Y tế, giáo dục và đào tạo; văn hóa, nghệ thuật, khoa học, công nghệ; công nghệ thông tin; các ban quản lý dự án.
Ngoài các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, Đề án tập trung nâng cao kỹ năng, năng lực làm việc, ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Mục tiêu là tạo sự đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tạo nhận thức chung, thống nhất, đồng hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Thủ đô.
Điểm mới của Đề án là nhóm đối tượng được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình được thiết kế riêng cho thành phố, sử dụng hình thức học mới kết hợp ở trong nước và ở nước ngoài, có trang bị kỹ năng sử dụng thành thạo tiếng nước ngoài, các lớp đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức tập trung.
Tôi cho rằng, đây là bước đột phá của TP Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Với chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà Hà Nội hiện có, việc triển khai, áp dụng Đề án là hoàn toàn khả thi và sẽ mang lại hiệu quả thực chất như mong muốn.
- Xin ông cho biết rõ hơn, cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, công chức chuyên môn, nghiệp vụ sẽ được đào tạo, bồi dưỡng ra sao?
- Thành phố phân chia thành các nhóm đối tượng để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp. Chỉ tiêu là sẽ đào tạo, bồi dưỡng 400 (484 lượt người) cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp sở và quận, huyện, thị xã. Nội dung đào tạo bồi dưỡng về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là nhận thức, tầm nhìn chiến lược của đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi công vụ, nhiệm vụ cho 5.500 công chức chuyên môn và 2.700 công chức tiếp công dân, bộ phận “một cửa”.
Ngoài ra, 1.432 chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, thực thi công vụ, nhiệm vụ; 200 (240 lượt) công chức, viên chức lãnh đạo Ban Quản lý dự án được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phát triển dự án.
- Trong Đề án có đào tạo, bồi dưỡng công chức nguồn không, thưa ông?
- Có. Đây cũng là điểm mới trong thực hiện chủ trương đào tạo, tuyển dụng công chức nguồn trong thời gian tới, nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo kỹ năng quản lý nhà nước một cách bài bản cho các cơ quan hành chính thuộc thành phố. Theo đó, thành phố sẽ thí điểm tổ chức đào tạo 1.000 công chức mới được tuyển dụng, theo phương pháp đào tạo của Trường Hành chính quốc gia Pháp (ENA).
Thành phố cũng sẽ đào tạo 100 học viên nguồn chỉ huy trưởng quân sự cấp xã; 200 học viên nguồn trưởng công an xã theo địa chỉ của từng xã; 380 (2.200 lượt người) cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nâng cao kỹ năng quản lý công nghệ thông tin và chuyên môn, nghiệp vụ công nghệ thông tin. Các lĩnh vực còn lại như: Y tế sẽ đào tạo, bồi dưỡng khoảng 60 người; giáo dục - đào tạo hơn 5.000 người; văn hóa - nghệ thuật 260 người; khoa học - công nghệ hơn 60 người; du lịch hơn 400 người.
- Ông có thể cho biết khi nào các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Đề án được khai giảng?
- Dự kiến, đầu tháng 11-2017, thành phố sẽ khai giảng lớp đào tạo, bồi dưỡng về nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, thực thi công vụ, nhiệm vụ cho 1.432 chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Với phương thức đào tạo tập trung, một lớp sẽ học liên tục trong 32 ngày. Các học viên sẽ được chia thành 16 lớp, mỗi lớp có từ 90 đến 100 người. Giảng viên là các giáo sư đầu ngành của Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước. Điều quan trọng là các cơ quan phải bảo đảm, việc học viên đi học không ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ nhân dân của cơ quan hành chính nhà nước.
- Trong chương trình, có các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Vậy, có biện pháp gì để bảo đảm việc này mang lại hiệu quả, tránh lãng phí, thưa ông?
- Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, cơ quan, đơn vị được giao tổ chức lớp phải phối hợp xây dựng nội dung, chương trình đào tạo chi tiết, gửi Sở Nội vụ thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện. Trong đó, nêu rõ các yêu cầu cần thiết phải nghiên cứu, học tập và đề xuất được việc áp dụng thực hiện vào các nhiệm vụ cụ thể, thực tế của thành phố nhằm thực sự tạo đột phá, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.