Nhìn thẳng vào sự thật, xác định đúng những vấn đề nội tại và sự chuyển hướng của xu thế thời đại, năm 1986, Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới.
Đây là một quyết định lịch sử, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Với tinh thần “đổi mới hay là chết”, Việt Nam đã rũ bỏ bao cấp, kế hoạch hóa, “cởi trói” cho nền kinh tế. Nguồn lực sản xuất được “bung ra”, tiềm lực đất nước được “đánh thức”, từ một nước thiếu lương thực, kinh tế trì trệ, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với một nền kinh tế năng động, có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư. Từ công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Nhận đường, dẫn hướng và đánh thức tiềm lực
Đổi mới, có thể hiểu là tạo cơ chế mới, đánh thức tiềm lực đất nước. Đổi mới là một quyết định đột phá, một bước ngoặt lịch sử, cũng là cuộc đấu tranh gay gắt như Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết: “Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Cái khó nhất là ở chỗ: Đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng và cơ quan nhà nước, đấu tranh giữa những người đồng chí, đấu tranh với chính bản thân mình”.
Trước khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, nhiều địa phương đã có những quyết định đột phá, được nhắc đến với cụm từ “khoán chui”, “khoán hộ”. Năm 1966-1967, khi nông dân miền Bắc “bó mình” trong phương thức “rong công, phóng điểm”, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã có một quyết định táo bạo, cũng có thể xem là liều lĩnh khi giao khoán ruộng đất cho hộ nông dân với niềm tin những người quanh năm “chân lấm, tay bùn” có thể tự chủ làm ăn, nâng cao năng suất, sản lượng, từ đó xây dựng hợp tác xã vững mạnh. Quyết định này đã vượt xa khuôn khổ tư duy lúc đó về tư liệu sản xuất cũng như quan điểm về tập thể hóa, hợp tác hóa.
Do vậy, phải một thời gian dài, “khoán hộ” của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc mới có “chỗ đứng”. Đến ngày 13-1-1981, trên cơ sở tổng kết thực tế làm thử khoán sản phẩm tại nhiều địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 100-CT/TƯ về mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã. Và ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (Khoán 10). “Khoán 10” khẳng định, hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, từ đó mở ra phương thức mới làm thay đổi nền kinh tế nông nghiệp, tạo nền tảng đưa đất nước từ chỗ thiếu lương thực đến một quốc gia xuất khẩu nông sản xếp nhóm đầu thế giới.
Trong tiến trình nhận đường và dẫn hướng giữa những thách thức mang tầm thời đại, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tạo đột phá mới: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối...”.
Đại hội XIII của Đảng đã đổi mới mạnh mẽ tư duy và tầm nhìn, thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 với nhiệm vụ: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Trong bài viết “Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ định hướng này: "Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh".
Những tư duy đột phá mang tính dẫn đường này đã tạo nền tảng vững chắc cho các thành phần kinh tế vận hành trong cơ chế thị trường mang bản sắc ưu việt của chế độ xã hội Việt Nam. Đây là bước đột phá trong đổi mới tư duy kinh tế, không chỉ giải phóng năng lực sản xuất vốn bị kìm hãm trong nền kinh tế kế hoạch, quan liêu rời xa thực tế, mà còn đánh thức tiềm lực của đất nước, đồng thời hội tụ các nguồn lực xã hội cho khát vọng thịnh vượng của dân tộc Việt Nam. Cũng từ đây, đội ngũ doanh nhân mới được hình thành, kéo theo những đổi mới mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực.
Gỡ rào cản để phát huy nguồn lực
Gần 40 năm đổi mới, cũng là chừng ấy thời gian tháo gỡ “rào cản” để phát triển đất nước. Ở nhiều điểm nhìn, nhận định như vậy là có cơ sở. Nhiệm vụ đổi mới đất nước khởi phát trong bối cảnh ngặt nghèo, khủng hoảng kinh tế trầm trọng và kéo dài, lạm phát ba con số, người dân thiếu lương thực, hàng hóa tiêu dùng…; các thế lực thù địch siết chặt bao vây cấm vận, trong khi “điểm tựa” Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đang gãy đổ.
“Đổi mới thì sống, không đổi mới thì chết”, nhưng đổi mới thế nào, đổi mới từ đâu giữa hàng loạt vấn đề trong nước và quốc tế đan xen, phức tạp? Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Phải đổi mới toàn diện, nhưng trước hết phải đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế; phải đổi mới từng bước cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới cơ cấu kinh tế với những cách làm, bước đi thích hợp…”.
Nhận định: “Phân phối, lưu thông vừa là điều kiện, vừa là kết quả của sản xuất”, “giải quyết vấn đề phân phối, lưu thông có liên quan chặt chẽ với quá trình sản xuất, với tổng thể cơ chế quản lý nền kinh tế quốc dân”, Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã chọn phân phối, lưu thông làm khâu đột phá đầu tiên của công cuộc đổi mới.
“Nói và làm”, nhiều giải pháp cấp bách được thực hiện, đó là: Tách hệ thống tài chính khỏi ngân hàng, lập kho bạc nhà nước, bơm tiền cho lưu thông, mở rộng giao lưu hàng hóa, xóa bỏ “ngăn sông, cấm chợ”… Bước đột phá này đã tạo chuyển động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế; ách tắc “đầu vào” và “đầu ra” của hàng hóa, sản phẩm được tháo gỡ; các lợi ích kinh tế được xử lý mang đến động lực mới cho sản xuất kinh doanh…
Chỉ một thời gian không dài, tình trạng khan hiếm lương thực, hàng hóa tiêu dùng đã được khắc phục; vấn đề ngân sách, lãi suất ngân hàng, tiền lương, giá cả từng bước được giải quyết, lạm phát từ ba con số đã giảm xuống còn hai con số… Chúng ta không chỉ đẩy lùi khủng hoảng kinh tế, thoát khỏi tình thế hiểm nghèo mà còn tạo dựng được những tiền đề mới để phát triển đất nước.
Và, một quyết định bước ngoặt không thể không kể đến trong thời kỳ đổi mới này là chủ trương xã hội hóa. Tại Hội nghị Khoa giáo toàn quốc năm 1988, “xã hội hóa” được coi là phương hướng chiến lược để thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Chủ trương này tiếp tục được bổ sung và thể hiện rõ nét tại các văn kiện của Đảng trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời được thể chế hóa qua “hành lang pháp lý” và những quy định của pháp luật. “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã hội hóa tạo cơ chế bước ngoặt xóa “độc quyền”, mở “cánh cửa” huy động tiềm năng, nguồn lực từ các thành phần kinh tế và toàn xã hội cho một Việt Nam cường thịnh. Xã hội hóa mang lại những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là giáo dục và y tế.
“Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, với quan điểm như vậy, giáo dục là một trong những ngành đầu tiên được “gọi tên” trong tiến trình xã hội hóa. Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 4-11-2013, của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” xác định rõ: Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính để huy động sự tham gia đóng góp của xã hội vào phát triển giáo dục và đào tạo. Từ chính sách mang tính đột phá này, những cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập và liên kết quốc tế đã hình thành, đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập, tiếp cận tri thức của "con Lạc, cháu Hồng", đồng thời làm thay đổi căn bản diện mạo Giáo dục Việt Nam. Không chỉ thúc đẩy hệ thống giáo dục đào tạo hoạt động hiệu quả hơn, xã hội hóa đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ giáo dục thế giới. Qua đó tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới từ thực tế phát triển.
Thực tế cũng cho thấy, “làn sóng” xã hội hóa đã nhanh chóng thâm nhập ngành Y tế, các bệnh viện công đã chủ động liên kết với các nhà đầu tư để huy động nguồn vốn trên tinh thần chia sẻ lợi nhuận. Có nhiều chuyện “công”, “tư” cần bàn và phải bàn, song rõ ràng bước chuyển mang tính đột phá này đã tạo hành lang pháp lý để các bệnh viện liên doanh liên kết, tiếp cận và ứng dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại, các loại thuốc đặc trị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc y tế. Cũng từ xã hội hóa, Việt Nam có thêm nhiều bệnh viện mang tầm quốc tế; nhiều lĩnh vực như ung bướu, tim mạch, ghép tạng có trình độ ngang tầm thế giới và người dân được thụ hưởng y tế kỹ thuật cao mà không cần phải ra nước ngoài. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, Việt Nam là mẫu hình tham khảo cho nhiều quốc gia về một số phương diện trong phòng chống đại dịch Covid-19.
Với những quyết định mang tính đột phá, công cuộc đổi mới đã đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam hội nhập cùng thế giới.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.