Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá cho thể thao quần chúng

Minh Quang| 25/01/2018 06:18

(HNM) - Không thể “túc tắc” làm việc mà mong có chuyển biến lớn, cần phải tạo đột phá thực sự trong cách làm - đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khi đề cập đến công tác phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng trong năm 2018.

Thanh niên xã Đông La (huyện Hoài Đức) thi đấu trong một giải vật tại địa phương. Ảnh: Bá Hoạt


Chỉ là những con số tương đối

Theo Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT), hoạt động TDTT quần chúng năm 2017 thu được kết quả khá ấn tượng. Từ việc triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp về TDTT giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) với các bộ, ngành, đoàn thể trung ương… đến việc tổ chức thành công 29 hội thi, giải TDTT quần chúng cấp quốc gia với sự tham gia của 10.325 vận động viên, 1.667 huấn luyện viên; tổ chức 36 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cho 4.978 cán bộ, trọng tài, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên, giáo viên TDTT, nhân viên cứu hộ…

Số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc đạt tỷ lệ 31,38%, tăng 1,85% so với năm 2016; số gia đình thể thao bằng 22,47% tổng số hộ, tăng 1,27% so với năm 2016; số câu lạc bộ thể thao là 53.779, số cộng tác viên thể thao lên tới 42.850 người…

Vài số liệu trên nói lên nhiều điều, nhưng không phải ai cũng hài lòng. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện quan tâm đến chất lượng, hiệu ứng xã hội của những đầu việc đã được triển khai. Câu chuyện về số người tập và số gia đình thể thao tăng hằng năm đã trở nên quen thuộc và ai cũng hiểu đó là con số tương đối. Thực tế, dấu ấn của người làm thể thao quần chúng trong kết quả đó chưa rõ ràng.

“Người dân có nhu cầu, muốn tập luyện TDTT cũng như chuyện về người nông dân vậy, đến ngày, đến giờ không bảo thì ai cũng xuống đồng. Số người tập luyện TDTT tăng không hẳn là thành quả của riêng những người làm công tác thể thao quần chúng” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Rõ ràng, những người làm công tác thể thao quần chúng phải có sự đổi mới trong cách làm, phải tìm ra khâu đột phá thay vì túc tắc làm rồi xoa tay hài lòng khi “sắm tròn vai, làm tròn việc”.

Quan trọng là sự tìm tòi

Một trong những điểm đột phá quan trọng được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ ra là thể thao học đường - môi trường nuôi dưỡng đam mê rèn luyện TDTT lý tưởng cho thế hệ trẻ. Điều quan trọng là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành VH-TT&DL và Giáo dục - Đào tạo, chính quyền địa phương để tạo ra cơ chế, điều kiện giúp thể thao học đường phát triển đồng bộ.

Gần đây, trong cuộc đối thoại “Về phát triển bóng đá Việt Nam”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đề nghị ngành VH-TT&DL và Giáo dục - Đào tạo phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong phát triển bóng đá học đường. Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy bóng đá học đường phát triển. Đến lúc này, hiệu quả phát triển bóng đá học đường vẫn chưa rõ ràng. Người trong cuộc nêu ra nhiều khó khăn như sân bãi, đội ngũ giáo viên thể dục còn thiếu…

Tuy nhiên, vấn đề là trong điều kiện hiện tại, liệu ngành VH-TT&DL và Giáo dục - Đào tạo có thể làm tốt hơn nữa hay không? Rõ ràng là có thể tốt hơn nếu làm kỹ, làm chắc. Đơn cử như vấn đề đội ngũ giáo viên thể dục không đáp ứng yêu cầu giảng dạy bóng đá, chúng ta có thể tận dụng những người dân am hiểu về bóng đá trên địa bàn, mời họ làm hướng dẫn viên, cộng tác viên truyền kiến thức cho học sinh...

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho rằng, sau những chỉ đạo, gợi ý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, trong năm 2018, Tổng cục TDTT sẽ phối hợp với bộ phận chức năng của Bộ Giáo dục - Đào tạo rà soát, thống kê số câu lạc bộ thể thao trong các nhà trường. Dữ liệu thu được sẽ là căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển bài bản cho thể thao học đường nói chung, bóng đá học đường nói riêng.

Ngoài ra, việc phổ cập kiến thức cứu đuối, xóa mù bơi cho cộng đồng, đặc biệt trẻ em, cũng là trọng tâm, điểm đột phá trong tổ chức hoạt động thể thao quần chúng trong năm 2018. Nguồn kinh phí của Tổng cục TDTT sẽ được tập trung cho hoạt động này. Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT) đã được yêu cầu không sử dụng ngân sách dàn trải, mà cần tập trung một số chương trình, dự án thể thao cho người dân ở một số địa phương cụ thể.

Thực tế, một số đơn vị quản lý hoạt động TDTT ở địa phương đã làm tốt phần việc nói trên, trong đó có Sở VH-TT Hà Nội. Từ cách đây hơn 10 năm, Sở TDTT (nay là Sở VH-TT) Hà Nội đã chủ động hỗ trợ kinh phí mở lớp phổ cập bơi cho học sinh vào mỗi dịp hè. Từ đó đến nay đã có thêm nhiều lớp học tương tự được mở ra ở Hà Nội và cách làm nói trên vẫn được duy trì đến tận ngày nay.

Cách đây hơn 3 năm, Sở VH-TT Hà Nội đã dồn một khoản kinh phí đáng kể để đầu tư thiết bị tập luyện thể thao ngoài trời ở một số quận như Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông, Tây Hồ, Hai Bà Trưng… Cách làm đó đã tạo hiệu ứng tốt khi chính quyền và nhân dân các địa phương nói trên đã đầu tư mạnh mẽ hơn cho mảng việc này.

Những ví dụ nói trên góp phần làm rõ một thực tế, rằng câu chuyện đi tìm điểm đột phá cho phát triển thể thao quần chúng không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Quan trọng nhất vẫn là ý thức tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá cho thể thao quần chúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.