Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đột phá cho lĩnh vực dịch vụ dầu khí

Thanh Mai| 13/04/2011 07:19

(HNM) - Cuối năm 2008, thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng và tác động mạnh đến phát triển kinh tế toàn cầu. Giá dầu thế giới tụt dốc khó kiểm soát, ảnh hưởng tới các nước có nguồn thu từ dầu khí cũng như việc đầu tư tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.


Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, một dự án đầu tư có hiệu quả của PVN.

Tại Việt Nam, mức thu hằng năm từ dầu khí chiếm trung bình 20% GDP cả nước, nếu giảm nguồn thu này không chỉ tác động không tốt tới sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) mà còn ảnh hưởng tới GDP của cả nước. Trước tình hình đó, Đảng bộ PVN đã ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Sau 2 năm thực hiện PVN đã nâng cao được sức cạnh tranh trong khu vực, giảm thuê dịch vụ nước ngoài, tiết kiệm được 8,8 tỷ USD, góp phần cân đối nguồn ngoại tệ xuất - nhập khẩu.

Ưu tiên sử dụng tối đa dịch vụ trong nước

Để khai thác tối đa các tiềm năng thế mạnh trên cơ sở nội lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của khối dịch vụ trong ngành, PVN đã ưu tiên sử dụng tối đa các dịch vụ theo thứ tự ưu tiên: sử dụng 100% dịch vụ dầu khí đối với các đơn vị thành viên hoặc liên danh đủ năng lực thực hiện trên cơ sở chất lượng, hiệu quả và hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời PVN hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trong khối DN trung ương, DN trong nước thực hiện các dịch vụ không đủ khả năng thực hiện...

Kết quả, năm 2009, doanh thu dịch vụ đạt 96,37 nghìn tỷ đồng, bằng 128% kế hoạch, tăng 58% so với năm 2008, chiếm 34% tổng doanh thu của PVN. Mức tăng này cơ bản bù đắp được khoản giảm doanh thu của PVN từ giá trị khai thác dầu thô. Năm 2010, doanh thu đạt 152,5 nghìn tỷ đồng, bằng 135% kế hoạch, tăng 58% so với năm 2009, chiếm 32% tổng doanh thu toàn PVN. Mở rộng dịch vụ dầu khí ra ngoài ngành đang được các đơn vị tích cực triển khai, đánh dấu bước đột phá quan trọng đối với lĩnh vực này ở trong nước. Năm 2010, PVI (đơn vị thành viên của PVN) đã được Tạp chí World Finance trao giải thưởng là DN bảo hiểm tiêu biểu nhất Việt Nam. Dự án kho chứa/xuất dầu FSO5 đã đón dòng dầu đầu tiên tại lô 09-1 mỏ Bạch Hổ vào ngày 8-11-2010. Các dự án đầu tư phát triển dịch vụ như đóng tàu vận tải dầu thô, đóng giàn khoan 90m ở trong nước… Hiện nay, cảng dịch vụ dầu khí Phước An - Đồng Nai đang được triển khai theo kế hoạch.

Bên cạnh phát triển dịch vụ truyền thống, PVN phát triển nhiều dịch vụ mới thuộc các lĩnh vực chuyên ngành như: thực hiện EPC các công trình dầu khí, đóng mới giàn khoan, đóng mới và sửa chữa phương tiện nổi, dịch vụ khảo sát địa chấn 2D, dịch vụ bảo dưỡng, vận hành công trình dầu khí, dịch vụ vận tải sản phẩm dầu, cung cấp xăng E5… Tổng doanh thu trong năm 2009 và 2010 của nhiều đơn vị dịch vụ tăng cao.

Việc phát triển các dịch vụ dầu khí đồng bộ và có hệ thống cũng đã giúp cho các đơn vị thành viên của PVN nâng cao được sức cạnh tranh, từ đó tham gia nhiều hơn các dự án thăm dò, khai thác dầu khí trong và ngoài nước.

Tiết kiệm ngoại tệ và chủ động thực hiện tiến độ các dự án

Chi phí thuê dịch vụ dầu khí của nước ngoài lâu nay rất cao do PVN chưa đủ sức đảm nhận. Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị quyết 233/NQ-ĐU, dịch vụ thuê nước ngoài thực hiện trong năm 2009 và 2010 giảm mạnh đã tác động tích cực đến việc giảm ngoại tệ chảy ra nước ngoài, góp phần cân đối nguồn ngoại tệ xuất - nhập khẩu của nền kinh tế. Trong hai năm, PVN đã tiết kiệm được 8,8 tỷ USD và qua đó tạo được sự chủ động trong thực hiện tiến độ các dự án đầu tư. Đáng kể như dự án đường ống PM3 - Cà Mau, đường ống Phú Mỹ - Nhơn Trạch, Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 1 và 2, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Sản xuất hạt nhựa Polypropylence, kho khí hóa lỏng tại Gò dầu Đồng Nai, kho dầu Cù Lào Tào, đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Long Phú 1, Thái Bình 2... Đặc biệt, việc đầu tư và đưa tàu địa chấn 2D vào hoạt động và tổ chức khảo sát trên thềm lục địa Việt Nam đã tạo chủ động cho PVN, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đây là công việc mà trước đây phải thuê các tàu nước ngoài làm dịch vụ.

Bên cạnh đó, PVN cũng thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tiết kiệm nhưng đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Các đơn vị sử dụng dịch vụ phải bảo đảm nguyên tắc thiết kế và dự toán được duyệt trên cơ sở được một đơn vị tư vấn chuyên ngành thẩm tra; giá giao thầu giảm từ 3-5% so với giá dự toán được duyệt.

Theo ông Đinh La Thăng - UVTƯ Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐ Thành viên PVN, việc Đảng ủy PVN ra Nghị quyết 233 là nhằm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" và để nâng cao năng lực cạnh tranh của lĩnh vực dịch vụ dầu khí khi phải mở cửa cho các hãng quốc tế vào hoạt động theo lộ trình cam kết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá cho lĩnh vực dịch vụ dầu khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.