Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đồng thuận trong xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại

Hương Ly| 28/05/2023 06:37

(HNM) - Triển khai Quy chế dân chủ trong các loại hình mới đã, đang góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong triển khai các dự án trọng điểm, tạo bước đột phá trong xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Thành ủy viên, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội về kết quả triển khai Quy chế dân chủ trong các loại hình mới và những công việc cần triển khai sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1-7-2023.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn.

Hiệu quả từ thực hiện Quy chế dân chủ

- Thời gian qua, việc triển khai Quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng của thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua thực tế kiểm tra tại cơ sở, xin đồng chí đánh giá về những kết quả này?

- Từ năm 2005, thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng quy chế mẫu thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng; từ năm 2012, triển khai quy chế mẫu thực hiện dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng ở xã, phường, thị trấn. Với những hiệu quả thu được, thành phố đã chỉ đạo tiếp tục nhân rộng việc triển khai Quy chế dân chủ trên nhiều lĩnh vực, như: Công tác thuế hộ kinh doanh; các trường học ngoài công lập; trật tự xây dựng... Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước trong triển khai ban hành các Quy chế dân chủ trong loại hình mới.

Đặc biệt, qua kiểm tra của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố vừa qua cho thấy, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế dân chủ đối với loại hình mới. Trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc công khai để người dân trong diện thu hồi đất được biết, tham gia ý kiến, được giám sát, kiểm tra; đồng thời, quan tâm tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, tiếp dân, giải quyết kiến nghị của người dân trong diện thu hồi đất. Trong công tác quản lý trật tự xây dựng, các đơn vị đã thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các văn bản quy định của pháp luật trong lĩnh vực này; công tác kiểm tra, giám sát công trình xây dựng được thực hiện thường xuyên... Từ thực tiễn này có thể khẳng định, việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ là giải pháp quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.

- Với sự vào cuộc tích cực của hệ thống dân vận, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án lớn, nhất là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực nhờ triển khai có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, thưa đồng chí?

- Thực tế, việc triển khai các dự án lớn trên địa bàn thành phố, công tác dân vận luôn được coi trọng. Hệ thống dân vận đã vào cuộc ngay từ đầu và xuyên suốt quá trình triển khai dự án gắn với thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Nhờ đó, nhiều dự án đã được đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm thời gian, sức người sức của; tạo bước đột phá to lớn trong kiến thiết Thủ đô.

Có thể kể đến việc huy động sức mạnh tập thể của hệ thống dân vận trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Kể từ khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 13-9-2022 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đến nay, các hộ dân liên quan đã chủ động bàn giao mặt bằng 471,77/796,76ha diện tích đất cần thu hồi trên địa bàn thành phố, đạt 59,43% và di chuyển 5.997/10.921 ngôi mộ, đạt 54,91%.

Để nhân dân thực sự được thụ hưởng

- Thực tế cho thấy, một số cấp ủy, chính quyền vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng chí nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Việc một số cấp ủy, chính quyền vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một tồn tại cần được khắc phục kịp thời. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị cần nghiêm túc nhìn lại, hiểu sâu, hiểu đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Từ đó phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong tham gia thảo luận những công việc của địa phương, đất nước. Khi bầu không khí dân chủ trong xã hội được mở rộng sẽ tạo ra khí thế phấn khởi, niềm tin trong mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, để nhân dân thực sự là người được thụ hưởng những thành quả đã đạt được.

- Từ thực tế kiểm tra thời gian vừa qua, đồng chí có thể định hướng một số nội dung căn bản mà các địa phương, đơn vị cần triển khai để làm tốt hơn nữa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và triển khai có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2023?

- Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1-7-2023 có nhiều điểm mới so với những quy định trước đây. Luật không chỉ mở rộng phạm vi điều chỉnh so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về dân chủ ở cơ sở, mà còn bổ sung một số nội dung về nguyên tắc thực hiện dân chủ; những nội dung, hình thức nhân dân bàn, quyết định và tham gia ý kiến… Vì vậy, để phát huy tốt hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cần tiếp tục quan tâm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình mới, đặc biệt là những lĩnh vực có nhiều ý kiến dân sinh bức xúc. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện đúng trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, cần gắn việc thực hiện dân chủ với những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, của địa phương, cơ sở. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, tập trung giải quyết các vụ việc kéo dài. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy Hà Nội về giám sát, phản biện và tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đồng thuận trong xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.