(HNM) - Thực tiễn cho thấy, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã trở thành động lực cho các cấp, ngành của thành phố trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận “một cửa” UBND thị xã Sơn Tây. Ảnh: Thái Hiền |
Chọn vấn đề trọng tâm, tập trung giải quyết
Thực hiện theo phương châm “trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể”, Thành ủy Hà Nội đã gương mẫu thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trên một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.
Đơn cử như tháng 9-2016 - thời điểm công tác cấp “sổ đỏ” gặp nhiều khó khăn, tiến độ cấp “sổ đỏ” đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa mới đạt 37%, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội”. Sau khi Chỉ thị được quán triệt đến toàn Đảng bộ với một thông điệp mạnh mẽ: "Địa phương, đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch cấp giấy chứng nhận được cấp có thẩm quyền giao thì cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là đồng chí Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên”, nhờ đó, tình hình đã có sự thay đổi rõ rệt. Và kết quả sau hơn 7 tháng thực hiện Chỉ thị, toàn thành phố đã cấp hơn 90% “sổ đỏ” đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư; cấp gần 97% “sổ đỏ” đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Thành ủy, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện nhiệm vụ CCHC gắn với Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Bộ máy được tinh gọn hơn; tinh thần làm việc, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức được nâng lên đáng kể. Kết quả tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đứng tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư, về số doanh nghiệp đăng ký mới năm 2016… là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố.
Thực hiện đồng bộ, toàn diện
Cùng với ban hành một kế hoạch riêng (Kế hoạch số 18-KH/TU), Thành ủy Hà Nội còn cụ thể hóa nội dung Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố; Chương trình hành động số 15-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”…
Ý thức sâu sắc, phải đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên, thành phố đã gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ với các nhiệm vụ chính trị, từ đó tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh nhận xét: “Đây là một trong những dấu ấn nổi bật của Đảng bộ Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay”.
Sự gương mẫu của các cơ quan cấp thành phố trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ đã và đang lan tỏa xuống cơ sở. Theo Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trên địa bàn thành phố đã và đang hình thành nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo gương Bác chuyển biến ngày càng rõ rệt. Trong bộn bề khó khăn của cuộc sống, những việc tốt, người tốt sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích cộng đồng, chung tay làm cho xã hội tốt đẹp hơn ngày càng được nhân lên. Đó chính là kết quả to lớn và ý nghĩa nhất của việc học, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tính sơ bộ, toàn thành phố tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc chỉ đạo rà soát, lập lại toàn bộ đơn giá, quy trình liên quan đến chi tiêu kinh tế sự nghiệp của 5 lĩnh vực (cắt tỉa cây xanh, thu gom vận chuyển xử lý rác, thủy lợi, thoát nước, xử lý môi trường), thành phố đã tiết kiệm được 1.840 tỷ đồng. Năm 2017, thành phố quyết tâm giảm chi thường xuyên từ 55,5% xuống còn 52%... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.