Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo điều kiện học tập cho con em công nhân

Nhóm phóng viên| 27/05/2023 07:25

(HNM) - Thành phố Hà Nội hiện mới có 3 khu công nghiệp có dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, đáp ứng 20% nhu cầu nhà ở của công nhân. 80% công nhân thuê nhà trọ xung quanh khu vực làm việc, với những điều kiện thiếu thốn tiện ích công cộng cho cuộc sống như trường học, khu vui chơi, nhà văn hóa... Đặc biệt, những khó khăn về việc cho con theo học tại trường công lập cũng gây thêm áp lực trong cuộc sống của công nhân ở trọ.

Trẻ em học tập tại Trường Mầm non Quang Minh A (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Khó cho con học trường công

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, có đến 80% công nhân lao động đang thuê trọ ở các khu dân cư với nhiều điều kiện thiếu thốn về tiện ích xã hội như khu vui chơi, luyện tập thể dục, thể thao và nguy cơ mất an ninh trật tự... Giờ giấc đón trả trẻ ở các trường công lập cũng chưa phù hợp với công việc ca kíp của công nhân.

Trong khu nhà trọ ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, chị Nguyễn Thị Hoa (quê ở Vĩnh Phúc) vừa trông con vừa tranh thủ chuẩn bị sẵn bữa cơm để khi chồng đi làm về thì chị vào ca. Từ khi có đứa con thứ hai, vợ chồng chị phải xin đi làm lệch giờ nhau, luân phiên trông con.

“Đứa đầu đã gửi về cho ông bà nuôi rồi, gửi thêm đứa thứ hai sợ ông bà vất vả quá, nên vợ chồng tôi phải cùng nhau sắp xếp công việc để trông con. Cháu lớn thêm chút nữa, tôi sẽ cho đi nhà trẻ, nhưng còn phải tính toán chi phí phù hợp. Học trường công điều kiện bảo đảm, chi phí thấp thì lại vướng giờ giấc đón con theo giờ hành chính. Học trường tư thục có nhận trông ngoài giờ thì chi phí cao”, chị Hoa tâm sự.

Cùng cảnh con nhỏ, chị Dương Thị Thắm (quê Hòa Bình) đang trọ tại thôn Đại Độ, xã Võng La, huyện Đông Anh, cho biết, theo thông báo tuyển sinh của Trường Mầm non Võng La, đối tượng tuyển sinh là trẻ cư trú trên địa bàn xã Võng La, từ 2 tuổi đến 5 tuổi. Tìm hiểu quanh khu vực, tôi được biết, chỉ có trường mầm non tư thục mới nhận trẻ dưới 2 tuổi như con tôi, học phí rất cao so với đồng lương công nhân. Do vậy, khi công ty thông báo giảm đơn hàng, tôi quyết định xin nghỉ không lương một thời gian để trông con. Gánh nặng thu nhập đang dồn hết lên vai chồng tôi.

Nếu như công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất có con ở độ tuổi mầm non, tiểu học khó cho con vào học trường công lập vì thiếu trường, giờ giấc đưa đón con không phù hợp... thì những trường hợp có con đến tuổi vào trung học phổ thông lại đối mặt với vấn đề hộ khẩu thường trú.

Anh Nguyễn Quang Đông, làm việc tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài) cho biết, con lớn của anh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở phải về quê học tiếp vì không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Bởi theo quy định, học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện đăng ký vào trường trung học phổ thông công lập trong khi công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất thường đăng ký tạm trú.

Cần những giải pháp từ chính sách

Giải quyết những khó khăn đang đặt ra đối với việc học hành của con em công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất giúp họ an tâm làm việc và cống hiến là nhiệm vụ đang được các cấp, ngành triển khai. Trước tình hình số lượng học sinh đăng ký tuyển sinh đầu cấp (lớp 1 và lớp 6) năm học 2023-2024 tăng mạnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề nghị các địa phương tổ chức phân tuyến phù hợp, xây dựng bổ sung phòng học và trường học, cải tạo, mở rộng các trường học hiện có để bảo đảm đủ chỗ học.

Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, đơn vị đang tích cực tìm kiếm quỹ đất trống ở các khu công nghiệp để cùng các sở, ngành tham mưu xây dựng trường học, nhà trẻ phục vụ con công nhân lao động đang sinh sống và làm việc tại đây.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh Dương Thị Sáu, toàn huyện đang xây dựng thêm trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại các xã Kim Chung, Đại Mạch, Hải Bối; chuẩn bị khởi công 2 trường trung học phổ thông mới, cải tạo, nâng cấp 5 trường cũ... với mục tiêu tăng cường cơ sở vật chất để tách trường, bảo đảm quy mô trường chuẩn và đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám thông tin, huyện yêu cầu các trường công lập trên địa bàn quy định rõ đối tượng tuyển sinh gồm cả thường trú và tạm trú trên địa bàn, hoặc có giấy xác nhận nơi công tác của bố mẹ làm trong Khu công nghiệp Thăng Long. UBND huyện còn định hướng các trường mầm non công lập tổ chức các nhóm, lớp trẻ ngoài giờ, phân công cô giáo luân phiên phụ trách để đón trả trẻ sớm, muộn hơn quy định và trông trẻ vào ngày thứ bảy.

Về lâu dài, thành phố Hà Nội đang triển khai chủ trương xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tập trung, với hạ tầng đồng bộ gồm trường học, cơ sở y tế, khu vui chơi..., giúp công nhân yên tâm lao động, sản xuất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện học tập cho con em công nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.