Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo điều kiện để người lao động có giá đỡ an sinh

Phú Cường| 07/06/2022 07:18

(HNM) - Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng đã cơ bản hoàn thiện. Là một trong những thành viên tham gia xây dựng dự án luật này, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Hải Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về chính sách bảo hiểm xã hội được thiết kế sửa đổi theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện để người dân, người lao động có giá đỡ an sinh.

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân tại phường La Khê (quận Hà Đông).

- Ông có thể cho biết rõ hơn một số nội dung mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)?

- Để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất một số chính sách quan trọng. Nổi bật là việc bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội, để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, gồm: Tầng trợ cấp hưu trí xã hội (hiện quy định ở Luật Người cao tuổi), bảo hiểm xã hội cơ bản (bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện như hiện nay), bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Với tầng hưu trí xã hội, dự thảo sửa theo hướng người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, không nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn. Quy định này nhằm tạo sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng, nhất là tầng trợ cấp hưu trí xã hội với bảo hiểm xã hội cơ bản.

Điểm mới khác là mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đến chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương... Cùng với đó là những quy định cụ thể việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian...

- Hiện nay, vì nhiều nguyên nhân, không ít người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến nhiều phía, trực tiếp nhất là quyền lợi của người lao động. Vấn đề này được quy định thế nào trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), thưa ông?

- Song hành với việc mở rộng đối tượng tham gia, chính sách bảo hiểm xã hội hướng đến mục tiêu mở rộng đối tượng thụ hưởng. Theo đó, về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan soạn thảo đưa vào dự thảo luật các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động tham gia đóng góp để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần; đồng thời vẫn cho phép tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu có nhu cầu. Điều kiện hưởng chế độ hưu trí sửa đổi theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ từ 20 năm hiện nay, xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nghĩa là, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn, thời gian tham gia ngắn vẫn có cơ hội tiếp cận, thụ hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội...

- Còn những quy định nhằm xử lý tình trạng nợ đóng, trốn đóng, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội được sửa đổi ra sao?

- Để tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quản lý quá trình thu, nộp bảo hiểm xã hội; quy định các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi, trốn đóng, chậm đóng, đặc biệt là tình trạng chậm đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu, nộp. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ những biện pháp bảo vệ quyền tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động...

Nhìn chung, chính sách bảo hiểm xã hội được thiết kế theo hướng linh hoạt, đa tầng, tạo điều kiện để người dân, người lao động có giá đỡ an sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách.

- Thưa ông, dự kiến Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua vào thời gian nào?

- Theo lộ trình, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV (đang diễn ra), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó có dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tiếp đó, dự kiến, tại kỳ họp thứ sáu (diễn ra vào tháng 10-2023), Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để Chính phủ hoàn thiện dự thảo luật. Đến kỳ họp thứ bảy (diễn ra vào tháng 5-2024), Quốc hội dự kiến thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và luật có hiệu lực từ đầu năm 2025.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện để người lao động có giá đỡ an sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.