Đô thị

Tạo điều kiện để Hà Nội hiện thực hóa trục cảnh quan sông Hồng

Bảo Hân 28/05/2024 - 19:59

Chiều 28-5, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) đánh giá cao nội dung phân quyền cho thành phố tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống.

nghia.jpeg
Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ). Ảnh: Media.quochoi.vn

Hiện thực hóa trục cảnh quan sông Hồng

Góp ý kiến về Điều 17 Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, Điều 18 về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) đồng tình với nội dung Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô và cả nước.

Trong đó, Điểm 2, Điều 17 phân quyền cho thành phố tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cho phép xây dựng các tuyến đê mới dọc theo hành lang thoát lũ để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng.

Trong khu vực hành lang thoát lũ, được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ được duyệt. Các công trình xây dựng mới trong khu vực hành lang thoát lũ bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy, không tôn cao bãi sông và chỉ dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng và các công trình được phép xây dựng ngoài bãi sông theo pháp luật về đê điều.

Theo đại biểu, quy định này bảo đảm tính chặt chẽ, tạo điều kiện về mặt thời gian và quy trình để Hà Nội giải quyết nhu cầu của người dân về không gian cảnh quan sông Hồng, phù hợp với định hướng Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.

Về quản lý sử dụng không gian ngầm được quy định tại Điều 19, theo đại biểu, quy định của dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, giúp phát triển nguồn tài nguyên của Hà Nội. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi, năng lực để triển khai quy hoạch về không gian ngầm.

ta-van-ha.jpeg
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam). Ảnh: Media.quochoi.vn

Cùng góp ý kiến về Điều 17 và 18 dự thảo Luật, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nêu, Hà Nội ở trong lòng du khách thế giới với nhiều công trình kiến trúc cổ kính, truyền thống. Tuy nhiên, thành phố chưa có công trình kiến trúc đương đại mang tầm cỡ quốc tế, trở thành điểm đến, thu hút khách du lịch.

“Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định cụ thể, rõ ràng các nội dung mang tính chiến lược về quy hoạch, ưu tiên đầu tư quỹ đất, vốn và cơ chế để thu hút các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế, giúp cho Hà Nội có công trình trở thành điểm nhấn, dấu ấn của khu vực”, đại biểu nêu.

Chế tài mạnh ngăn ngừa vi phạm

le-hoang-hai.jpeg
Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai). Ảnh: Media.quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai) thể hiện sự tán thành với nội dung được quy định tại Điểm 2, Điều 33 dự thảo Luật về trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số loại công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo đại biểu, cách tiếp cận như dự thảo Luật là phù hợp, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính phức tạp, lại có tác dụng ngăn chặn các hành vi vi phạm trong trường hợp thật cần thiết.

“Qua một số vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn thành phố, nếu không có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sai phạm thì khó có thể kiểm soát được thiệt hại có thể sẽ tiếp tục xảy ra. Đây không phải là biện pháp mạnh mẽ nhất nhưng với yêu cầu cao về bảo đảm trật tự xây dựng tại Thủ đô, quy định trên là cần thiết và sẽ chỉ được áp dụng trong trường hợp thực sự cần thiết”, đại biểu nêu.

to-van-tam.jpeg
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum). Ảnh: Media.quochoi.vn

Trước ý kiến của một đại biểu Quốc hội cho rằng, các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như quy định tại Điểm 2, Điều 33 có thể gây ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của một số cá nhân, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, tự do kinh doanh là một trong những quyền của con người, được hiến định. Tuy nhiên, quyền này được giới hạn bởi các lý do bảo đảm an ninh trật tự.

“Qua các vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản vừa xảy ra tại Hà Nội, có thể thấy quy định như vậy là phù hợp nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phù hợp với Hiến pháp”, đại biểu nêu.

Điều 33. Biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

….

2. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đây:

a) Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;

b) Công trình xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

c) Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động;

d) Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy;

đ) Công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện để Hà Nội hiện thực hóa trục cảnh quan sông Hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.