Kết thúc quý I-2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính 6,18% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro khó lường, giữ đà tăng cho sản xuất công nghiệp là thách thức không nhỏ.
Tiếp tục khởi sắc
Tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp trong quý I-2024 tiếp tục khởi sắc, với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính 6,18% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp tích cực vào Tổng sản phẩm trong nước (GDP). Điểm sáng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã phát huy trở lại vai trò dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế, với tốc độ tăng 6,98%.
Theo Bộ Công Thương, trong quý I-2024, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9%. Riêng tháng 3-2024, IIP ước tăng tới 20% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023. Sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng với IIP tăng ở 54/63 địa phương. Một số địa phương có IIP tăng khá cao ở mức hai đến ba con số. Tính chung quý I-2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Ở góc độ địa phương, theo Cục Thống kê Hà Nội, trong quý I-2024, IIP của thành phố tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tháng 3-2024, IIP tăng 17,4% so với tháng 2-2024. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,5%...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đánh giá, từ đầu quý I và đặc biệt là trong tháng 3-2024, sản xuất công nghiệp cả nước tiếp tục cho thấy sự phục hồi tích cực. Kết quả này phản ánh rõ qua việc các doanh nghiệp đã nối lại những chuỗi cung ứng bị đứt gãy trước đó để tăng đơn hàng. Thị trường dần mở rộng với tổng cầu tăng lên. Các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị sẵn sàng và chủ động nắm bắt tình hình để không bỏ lỡ cơ hội dù tiêu chuẩn từ thị trường xuất khẩu ngày càng cao hơn.
Mạnh dạn khai mở thị trường mới
Kinh tế thế giới, nhất là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, được dự báo khả quan hơn trong quý II-2024. Thị trường ấm lên là cơ sở để xuất khẩu cả nước tiếp đà tăng mạnh cùng với sức mua tại thị trường trong nước dần phục hồi, đầu tư công được đẩy nhanh… sẽ tạo tiền đề thúc đẩy sản xuất công nghiệp tăng trưởng thời gian tới. Báo cáo xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến của Tổng cục Thống kê mới đây cũng cho biết, 82% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II-2024 so với quý I-2024 sẽ ổn định và tốt hơn.
Lạc quan trước sức bật của sản xuất công nghiệp cả nước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng cho rằng, trong quý II-2024, có thể đơn hàng còn tăng lên, do đó các doanh nghiệp cần có chiến lược dự phòng hợp lý về vốn, chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng chuỗi cung ứng đa kênh về nguyên - nhiên - vật liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị. Cùng với đó, nghiên cứu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm tìm kiếm đối tác, mạnh dạn khai mở quan hệ mới, thị trường mới... cũng là giải pháp nên tiếp tục thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các quy hoạch ngành cấp quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, điện… để khuyến khích đầu tư, tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp. Trước thực tế tiêu thụ điện quý I-2024 tăng phụ tải 11,5% do sản xuất gia tăng, một trong những nhiệm vụ “nóng” đang được Bộ tích cực triển khai là bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định, nhất là trong các tháng mùa khô sắp tới. Bộ đã chủ động ban hành kế hoạch cung ứng điện, tập trung nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các công trình lưới điện, nguồn điện và tăng cường khả năng truyền tải; đồng thời bảo đảm đủ nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất điện.
Để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn nữa, các doanh nghiệp kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo cơ hội tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên, vật liệu cũng như khách hàng mới. Ngoài ra, có các chính sách ổn định giá cả, kích cầu tiêu dùng hiệu quả, hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa cho doanh nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh:
Khắc phục điểm yếu về năng lực tự chủ trong sản xuất
Việc xây dựng hai trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại phía Bắc và phía Nam là một trong những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục những hạn chế của ngành công nghiệp, nhất là về năng lực tự chủ trong sản xuất. Các trung tâm hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hai trung tâm này cũng đóng vai trò kết nối các trung tâm tại địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp, hình thành hệ sinh thái về công nghệ và sản xuất công nghiệp.
Hai trung tâm đã triển khai một số hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cải tiến sản xuất, ứng dụng các hệ thống quản lý, quản trị sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế... Các trung tâm còn đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam như Samsung, Toyota, Mitsubishi, Canon, Denso… nhằm triển khai các chương trình tìm kiếm và phát triển nhà cung cấp cho các tập đoàn này.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong:
Cần có giải pháp ứng phó với phòng vệ thương mại
Sự phục hồi của sản xuất công nghiệp quý I-2024 nằm trong xu hướng phục hồi chung của cả nước, bên cạnh các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Ngay khi có đơn hàng trở lại cuối năm 2023, các doanh nghiệp đã sớm tuyển thêm nhân công, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để thực hiện tốt các hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, một số tập đoàn công nghiệp đầu tư nước ngoài như Samsung, đưa ra sản phẩm mới góp phần gia tăng sản xuất công nghiệp.
Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần bám sát các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đã được Chính phủ nêu trong các nghị quyết. Song theo tôi, một trong những vấn đề cần lưu ý là phải nỗ lực gỡ thẻ vàng của châu Âu để ngành chế biến thủy sản phục hồi tốt hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, vấn đề phòng vệ thương mại đang diễn biến khá phức tạp. Do đó, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần có giải pháp ứng phó kịp thời để tránh trở thành đối tượng của các vụ kiện hay bị áp thuế cao.
Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường DACE Trần Văn Hiếu:
Nâng cấp thiết bị, đáp ứng yêu cầu thị trường
Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành sản xuất gia vị hữu cơ tại Việt Nam, ba tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu của chúng tôi, gồm Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ có nhiều khởi sắc. Kết quả xuất khẩu quý I-2024 của công ty tăng mạnh 56% so với cùng kỳ năm 2023, đưa doanh thu quý đầu năm tăng 33%. Đầu năm là mùa vụ chính của một số mặt hàng chiến lược, nên nguồn nguyên liệu cho sản xuất rất dồi dào. Năm 2023, chúng tôi cũng tập trung nâng cấp hệ thống máy móc để gia tăng chất lượng, năng suất, xây dựng thêm các chứng nhận cao cấp như Naturaland, Fair For Life bên cạnh các chứng nhận hữu cơ USDA của Mỹ, EU của châu Âu, JAS của Nhật Bản, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Thời gian qua, tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ khiến giá vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng tới hoạt động của công ty. Tuy nhiên, kinh nghiệm ứng phó trong dịch bệnh đã giúp công ty có nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn.
Hà Thư ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.