Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đà cho nông nghiệp công nghệ cao

Sơn Tùng| 11/02/2017 06:28

(HNM) - Nhằm kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, từ đó hình thành nền nông nghiệp sạch - thông minh, sản xuất theo nhu cầu thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép nâng gói tín dụng dành cho lĩnh vực này từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng.


Ngành Nông nghiệp đang được tạo những điều kiện hết sức thuận lợi để xây dựng, hình thành nền nông nghiệp sạch - thông minh.


Mục tiêu 10 khu nông nghiệp công nghệ cao

Theo định hướng, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ có 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) với khoảng 200 doanh nghiệp (DN) tham gia. Trên cơ sở đó, hình thành một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, sản xuất theo nhu cầu thị trường, hướng vào gần 100 triệu dân với thực phẩm sạch, lương thực sạch.

Theo bà Trần Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương (Vinaseeds), việc Thủ tướng Chính phủ "nhấn nút" khởi động gói tín dụng đã thu hút sự quan tâm của DN, HTX, các cá nhân làm nông nghiệp. Trên thực tế, nền nông nghiệp của Việt Nam đang chuyển động theo hướng ứng dụng CNC của các nước Nhật Bản, Israel… Hiện nay, cả nước đã có hơn 20 DN đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC. Sở dĩ số lượng DN đầu tư còn hạn chế do chi phí theo mô hình này khá tốn kém, thời gian kéo dài, khó tiếp cận nguồn vốn. Chẳng hạn, theo khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), tại tỉnh Lâm Đồng, cơ cấu tín dụng cho nông nghiệp: 83% là vốn vay ngắn hạn, vay trung và dài hạn chỉ chiếm 17%...

Lý giải vấn đề trên, ông Đỗ Giang Nam, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, cho rằng: Việc cho vay các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC đạt thấp là do chưa có nhiều mô hình hiệu quả kinh tế cao; chưa hình thành hệ thống dịch vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Ở khía cạnh có liên quan, tài sản hình thành từ các dự án trên đất phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi, chuồng trại có giá trị đầu tư lớn nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho DN và ngân hàng trong việc định giá, nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho vay vốn đầu tư...

Nhiều giải pháp khơi thông dòng vốn

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một loạt ngân hàng đã tích cực hưởng ứng tham gia gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp ứng dụng CNC. Ông Đỗ Đức Dục, Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Hà Tây cho biết, đầu tư tín dụng vào nông nghiệp ứng dụng CNC là đòn bẩy quan trọng cho tín dụng "tam nông" hiện nay và những năm tiếp theo. Thực tế, việc đầu tư tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng CNC đã được manh nha thông qua mô hình cho vay thí điểm theo chuỗi liên kết, mô hình nông nghiệp quy mô lớn, bước đầu tạo đồng thuận khá cao từ phía DN và người dân. Do vậy, nguồn vốn cho các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC hiệu quả là đích đến của nhiều ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam dự kiến dành 50.000 tỷ đồng tham gia cho vay khu vực này, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đang có nhiều động thái tích cực triển khai cho vay…

Để rộng đường cho tín dụng nông nghiệp ứng dụng CNC, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng: Cần đẩy mạnh sàn giao dịch hàng hóa để kết nối và minh bạch thị trường tiêu thụ nông sản CNC. Toàn bộ cơ sở dữ liệu được các tổ chức tín dụng tiếp cận, làm cơ sở để thẩm định phương án sản xuất, kinh doanh. Một mặt giúp DN, HTX, hộ cá thể giảm các chi phí giao dịch, giúp ngân hàng quản lý các khoản vay, qua đó sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC như một hình thức kinh doanh có lãi chứ không phải thực hiện nhiệm vụ cho vay khu vực ưu đãi. Khi đó, đơn vị rót vốn còn là một kênh tham gia thẩm định, khẳng định tính hiệu quả của dự án, khâu nối được mối liên kết giữa các bên: Quản lý nhà nước, DN, HTX và đối tác tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia. Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh, muốn tín dụng nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển đúng quỹ đạo, bền vững cần quan tâm tới các yếu tố cụ thể như tài sản thế chấp, điều kiện vay tín chấp, lãi suất, kỳ hạn cho vay…, điều kiện phù hợp với thực tế của từng dự án nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và ngân hàng quản lý tốt rủi ro tín dụng.

Đối với Hà Nội, theo kế hoạch, đến năm 2020, giá trị nông nghiệp ứng dụng CNC của thành phố chiếm 35% tổng giá trị toàn ngành. Thành phố đã quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Tại đây, một phần diện tích dành cho DN thuê đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và một phần giao Sở NN&PTNT xây dựng mô hình kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC. Khi dự án được triển khai, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay trong 3 năm để đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu như nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới tiêu… DN, HTX hoàn toàn chủ động lựa chọn tổ chức tín dụng để vay vốn phù hợp từ hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng thương mại...

Tuy nhiên, để đồng vốn tín dụng "chảy vào" các dự án thì khó khăn lớn nhất của Hà Nội vẫn là việc tích tụ ruộng đất và lựa chọn công nghệ, lĩnh vực đầu tư sao cho phù hợp. Đây cũng là vấn đề chung của nhiều địa phương. Giải bài toán hóc búa này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường gợi ý: Do việc tích tụ đất đai ở Hà Nội khó khăn, phương án giải phóng mặt bằng sạch để giao cho DN, HTX hoặc hộ cá thể triển khai dự án nông nghiệp ứng dụng CNC khó khả thi, chi phí cao. Do vậy, Hà Nội cần đẩy mạnh theo hướng liên doanh liên kết giữa DN, nhóm hộ và HTX, các bên cùng tham gia. Khi đó, vốn cho nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ không chỉ nằm ở DN, HTX hay hộ cá thể mà là ở tất cả các khâu cùng tham gia chuỗi giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà cho nông nghiệp công nghệ cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.