(HNM) - Hầu hết các bài thi đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, phạm vi kiến thức của đề thi rộng hơn, độ phân hóa cao hơn, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng...
Tăng cường tập dượt
Trước nỗi lo đề thi năm nay có phạm vi rộng hơn bởi không chỉ có kiến thức của lớp 12 mà còn thêm cả kiến thức của lớp 11, nhiều câu hỏi khó và có tính ứng dụng thực tế hơn, thời điểm này, hầu hết các trường THPT đều tăng cường việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12, đồng thời chú trọng bồi dưỡng cho học sinh yếu, kém.
Một số quy định mới của Bộ GD&ĐT sẽ giúp nâng cao chất lượng “đầu vào”, tạo sự công bằng cho các thí sinh. Ảnh: Viết Thành |
Với số lượng thí sinh lớn nhất cả nước, hơn 80 nghìn học sinh lớp 12 của Hà Nội đang rốt ráo chuẩn bị cho kỳ kiểm tra khảo sát với quy mô cấp thành phố - dự kiến diễn ra từ ngày 14 đến 17-3. Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đây là cuộc tập dượt quan trọng không chỉ đối với học sinh mà cả với thầy, cô giáo. Việc kiểm tra được tổ chức theo các cụm trường. Hiện tại, việc xây dựng đề kiểm tra đã cơ bản hoàn thành. Kết quả kiểm tra là căn cứ để thầy và trò nhận biết mức độ đáp ứng yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, từ đó có sự điều chỉnh cần thiết trong dạy học, ôn tập.
“Tùy theo điều kiện, các trường có thể sử dụng kết quả này làm điểm kiểm tra thường xuyên, song không được lấy vào điểm kiểm tra định kỳ. Kinh phí tổ chức kỳ khảo sát được trích từ ngân sách của đơn vị và được áp dụng với mức thống nhất. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nghiêm cấm các đơn vị tổ chức thu hoặc vận động phụ huynh quyên góp cho việc này. Nếu phát hiện có sai phạm, Sở sẽ xử lý nghiêm” - ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, việc tham gia khảo sát sẽ giúp các em làm quen với không khí, quy định của kỳ thi, cấu trúc đề thi và luyện kỹ năng làm bài. Đây còn là dịp để các thầy, cô giáo thực hành với các quy định, quy chế, nhận biết tình huống có thể xảy ra khi làm nhiệm vụ.
Còn tại Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), kế hoạch ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia đã được triển khai từ đầu năm học. Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường không có kế hoạch ôn tập riêng cho kỳ kiểm tra khảo sát tới đây, việc này đã được lồng ghép trong kế hoạch ôn tập thường xuyên của trường. Việc phụ đạo cho học sinh yếu, kém cũng đã được các giáo viên có kinh nghiệm đảm nhận vào các buổi học ngoài giờ.
Lưu ý khi đăng ký nguyện vọng
Còn gần 4 tháng nữa mới tới kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tuy nhiên, các thí sinh phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ tháng 4. Bởi vậy, việc cập nhật các quy định liên quan đến kỳ thi và xét tuyển đại học, cao đẳng là điều thí sinh cần quan tâm ngay từ thời điểm này, chỉ cần có chút nhầm lẫn là các em có thể bị mất quyền dự thi hoặc không được tham gia xét tuyển.
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Năm nay, khá nhiều trường tiếp tục xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia bên cạnh việc xét tuyển bằng học bạ. Thí sinh lưu ý rằng hai phương thức này được thực hiện độc lập, do vậy, các em có thể đồng thời đăng ký xét tuyển bằng cả hai cách. Bộ Giáo dục và Đào tạo không khống chế số lượng nguyện vọng, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển.
Tuy nhiên cần lưu ý, thứ tự ưu tiên của nguyện vọng chỉ có giá trị với chính thí sinh, còn giữa các thí sinh, việc xét tuyển vào cùng ngành là bình đẳng, không phân biệt thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Ví dụ, nếu thí sinh A đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được xét tuyển nguyện vọng 2, trúng tuyển nguyện vọng 2 thì không được xét tuyển nguyện vọng 3... Khi xét tuyển nguyện vọng, thí sinh A và các thí sinh khác được xét tuyển bình đẳng, ai cao điểm hơn sẽ có lợi thế hơn.
Dự kiến vào khoảng tuần thứ 3 của tháng 3 là thời điểm các trường quân đội, công an tổ chức sơ tuyển đợt 1. Vì vậy, các thí sinh có nguyện vọng cần khẩn trương cập nhật thông tin và làm hồ sơ xét tuyển vào khối trường này, nếu không sẽ không được tham gia xét tuyển; yêu cầu bắt buộc đối với các thí sinh là phải có hồ sơ sơ tuyển.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, mỗi thí sinh phải làm 3 bài độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và tự chọn 1 trong 2 bài tổ hợp (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội), trong đó, với các bài thi, thí sinh thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trừ môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Ngoài việc tích cực ôn tập và rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, các thí sinh cần đặc biệt quan tâm đến việc tham khảo phổ điểm của các năm trước để có phương án lựa chọn nguyện vọng phù hợp.
Giải đáp mối băn khoăn của nhiều thí sinh về việc tham khảo phổ điểm ra sao để có lựa chọn chính xác, ông Sái Công Hồng cho hay, thí sinh có thể tham khảo phổ điểm của một vài năm liên tiếp gần đây, tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động đến điểm trúng tuyển của các trường. Vì vậy, để bảo đảm khả năng trúng tuyển cao nhất, thí sinh cần lựa chọn đủ các ngành có khả năng trúng tuyển ở các mức khác nhau, căn cứ theo năng lực và cân nhắc kỹ thứ tự khi khai nguyện vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.