Giao thông

Tạo cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố Thủ đô

Nguyên Hoa 19/02/2025 - 15:17

Ngày 19-2, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo đề án của UBND thành phố về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện 12 quận, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý…

z6331696555765_e3a3638079fc230548372cfe7d4b2e98.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hiền Phương

Tạo diện mạo mới cho Thủ đô

Trình bày Tờ trình dự thảo Đề án, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công cho biết, việc khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm quy định hè phố phải có chiều rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ); bề rộng từ 3m trở lên. Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép.

Bên cạnh đó, hè phố đủ điều kiện để kinh doanh cần bảo đảm cho nhu cầu đỗ xe của khách. Trong điều kiện hộ kinh doanh không có chỗ đỗ xe cho khách thì có thể xem xét khi bảo đảm một trong các yêu cầu như: Từ địa điểm kinh doanh đến bãi đỗ xe gần nhất không lớn hơn 500m; khoảng cách từ địa điểm kinh doanh đến ga, bến xe công cộng gần nhất không lớn hơn 500m; đối với các vỉa hè có bề rộng lớn hơn 4m mà không tổ chức kinh doanh, UBND cấp huyện có thể cấp phép trông giữ phương tiện xe máy tùy theo nhu cầu của từng khu vực, bảo đảm không lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ (tối thiểu 1,5m)...

Sau khi khảo sát hiện trạng 273 tuyến phố trên địa bàn thành phố, dự thảo Đề án đề xuất 9 mô hình và sơ đồ hóa hè phố có đủ điều kiện sử dụng tạm thời để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị, tạm trông giữ phương tiện giao thông… Đồng thời, quy định việc cấp mới, điều chỉnh, thu hồi giấy phép sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ (xe mô tô 2 bánh, xe đạp điện…) hoặc kinh doanh do Sở Giao thông Vận tải, UBND cấp huyện thực hiện theo phân cấp. Phí sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ (xe mô tô 2 bánh, xe đạp điện…) hoặc kinh doanh được xác định theo Nghị quyết của HĐND thành phố…

Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định dự thảo Đề án được cơ quan soạn thảo xây dựng nghiêm túc, kỹ lưỡng, có sự nghiên cứu tham khảo của một số nước trong khu vực. Cơ quan soạn thảo đã xin ý kiến nhân dân có liên quan trực tiếp đến vấn đề này và thực hiện thí điểm tại một số tuyến phố nhằm phát hiện những hạn chế và tồn tại khi Đề án được thông qua.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chia sẻ, việc quản lý lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố hiện còn rất nhiều bất cập. Đó là ý thức chấp hành pháp luật của rất nhiều người dân và doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị còn kém, việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, thiếu; chưa có quy hoạch phù hợp làm mất mỹ quan đường hè phố, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường diễn ra phổ biến và thường xuyên, tình trạng thiếu nơi để xe và phương tiện giao thông… Chính vì vậy, các ý kiến đều nhất trí cho rằng, việc ban hành Đề án là cần thiết nhằm giữ gìn an ninh, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị.

Cần sự quyết tâm cao

z6331696513215_bd7b00e59b9d285e9b3beb6393679d8b.jpg
Đại biểu tham gia phản biện tại hội nghị. Ảnh: Hiền Phương

Để góp phần giúp các cơ quan chức năng quản lý lòng đường, vỉa hè hiệu quả, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Công tác tôn giáo Bạch Thành Định kiến nghị cơ quan chức năng của thành phố cần khảo sát về mật độ dân cư các tuyến phố, trong đó có khách lưu trú, người nước ngoài, người dân bản địa, phương tiện giao thông…; chia cấp độ quản lý cho từng cơ quan, trong đó, đề cao vai trò của chính quyền cơ sở. Việc xây dựng tuyến phố văn minh đô thị cần chú trọng đến vệ sinh môi trường, khắc phục tình trạng rác thải bừa bãi, nhất là ở các tuyến phố đi bộ.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần lựa chọn một số khu vực kinh doanh phù hợp với phát triển du lịch, văn hóa nhằm tạo điểm nhấn, nét văn hóa riêng có của Thủ đô và cạnh tranh với các đô thị trong nước. Các địa phương cũng cần ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và phát triển giao thông…

Để tiếp tục hoàn thiện Đề án, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị nêu rõ thời gian thực hiện thí điểm; phân cấp kiểm tra xử lý vi phạm và thông tin chi tiết của bãi để xe. Tiến sĩ Lê Văn Hoạt, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật đề xuất cần rà soát, bổ sung các nguyên tắc sử dụng lòng đường, hè phố; phát huy vai trò của các hộ dân có nhà mặt phố trong việc sử dụng khai thác hiệu quả lòng, hè phố, bảo đảm văn minh đô thị; tập trung vào các giải pháp thiết thực có liên quan đến vấn đề sử dụng, khai thác một phần lòng hè phố…

Dưới góc độ chuyên môn, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn khẳng định, dự thảo Đề án đã xác định được đối tượng ưu tiên là người đi bộ, người bán hàng… Tuy nhiên, cần xem xét cụ thể các đối tượng cộng đồng dân cư có liên quan đến nhu cầu sử dụng vỉa hè để có các quy định phản ánh được nhu cầu chung về sử dụng lòng đường, vỉa hè. Ngoài ra, vấn đề lưu lượng người tham gia giao thông chưa được đề cập, vì vậy, cần điều tra cụ thể để có cách sử dụng lòng đường cho hợp lý. Cần liệt kê những chức năng thông dụng của vỉa hè; quy định về sử dụng vỉa hè cần chặt chẽ, rõ ràng, logic để dễ kiểm soát, tránh gây xung đột về lợi ích.

z6331697064197_a12628c61053545e2b753fba1431cdfe.jpg
Nhiều ý kiến tham gia phản biện tại hội nghị. Ảnh: Hiền Phương

Còn Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, TS Bùi Thị An cho rằng, để thực hiện tốt Đề án này cần minh bạch toàn bộ các tuyến phố đủ điều kiện hoạt động, kích thước cụ thể, mặt hàng kinh doanh, cơ quan quản lý, cơ quan giám sát, xử lý vi phạm… Chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ pháp luật Phạm Ngọc Thảo đề nghị cần sự thỏa thuận giữa các hộ có chung số nhà trong việc sử dụng lòng đường, vỉa hè. Giá và phí sử dụng lòng đường, vỉa hè qua khảo sát vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, trong khi đề án chưa có quy định cụ thể. Việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp, chỉnh trang lòng đường, vỉa hè chưa được đề cập…

Là một trong những đơn vị được lựa chọn thí điểm thực hiện Đề án, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết: Trên cơ sở dự thảo Đề án, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng bộ tiêu chí cơ chế quản lý để triển khai tới từng phường và công khai tới nhân dân. Quận cũng sẽ áp dụng công nghệ số vào việc cấp phép, thu phí điện tử; sẽ phân theo các nhóm: hè trông giữ xe, phố kinh doanh dịch vụ…; xác định diện tích sử dụng cho từng tuyến phố và công khai rộng rãi đến người dân. Quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai thí điểm 6 tháng tại phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, sau đó sẽ rút kinh nghiệm và triển khai rộng trên địa bàn.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương khẳng định, Mặt trận sẽ chắt lọc các ý kiến để gửi tới HĐND và UBND thành phố. Đó là các nội dung: Thẩm quyền ban hành văn bản để thực hiện tốt Luật Thủ đô năm 2024 và Chương trình hành động của Chính phủ; lược bỏ các văn bản đã hết hiệu lực, cập nhật các nội dung văn bản mới, luật mới nhất là Luật Thủ đô; thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân để tạo sự đồng thuận trong xã hội; bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng tránh những tiềm ẩn về tiêu cực, lãng phí. Ngoài ra, cần đề xuất cơ chế để phối hợp các lực lượng, các cấp, các ngành khi triển khai đề án, chế tài xử lý khi chủ thể thuê sử dụng sai mục đích; ứng dụng công nghệ thông tin trong định giá, thu vé bảo đảm không thất thoát, lãng phí, tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu thuê, sử dụng vỉa hè, lòng đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.