Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo chuyển biến đột phá

Thế Văn| 26/01/2022 06:11

(HNM) - Khoa học công nghệ là động lực, giải pháp then chốt trong tiến trình tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp nước nhà trong bối cảnh đối mặt với vô vàn thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế, biến đổi khí hậu, đến những tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Có thể nói, những thành tựu từ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn không ít bất cập đang chờ được hóa giải để tạo chuyển biến mới. Điều này càng trở nên đặc biệt với Hà Nội trong tiến trình phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.

Những năm gần đây, việc đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất tại Hà Nội đã được chú trọng triển khai. Thời điểm hiện tại, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thủ đô. Và hoàn toàn có thể khẳng định: Khoa học công nghệ đã tạo chuyển biến tích cực, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế; thiết thực giải “bài toán” về thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu..., góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người nông dân.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta vẫn còn khoảng cách khá xa so với nhiều quốc gia trên thế giới. Nông nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chưa tạo được cơ chế, chính sách mang tính "đòn bẩy" thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực vốn chịu nhiều rủi ro này nên chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.  

Để phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực này, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần đổi mới tư duy, triển khai đồng bộ giải pháp nhằm tạo chuyển biến mang tính đột phá.

Trước hết là việc khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo môi trường lành mạnh thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; trong đó đặc biệt chú trọng cơ chế kết nối cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp. Ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tăng cường hỗ trợ các mô hình khuyến nông, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ… Nhất là đẩy nhanh quá trình thẩm định, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với đó phải phát triển lực lượng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng cơ chế trọng dụng đội ngũ nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước cũng như thu hút giới trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ. Mặt khác, cùng với việc thúc đẩy giải pháp đổi mới sáng tạo, các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học cần gắn nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với nhu cầu thị trường, tăng lợi nhuận, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và trước những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trong đó có khởi nghiệp sáng tạo của cộng đồng và thế hệ trẻ, cần triển khai giải pháp đẩy mạnh hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, cần tìm cách để nâng cao khả năng hấp thụ khoa học công nghệ của các hợp tác xã, hộ nông dân…

Những thách thức hiện hữu đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng phải tạo được bước chuyển mới mang tính đột phá trong hoạt động khoa học công nghệ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo chuyển biến đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.