Thành phố Hà Nội hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng (HNM) - Sáng 9-3, chuyến bay cuối cùng chở 242 lao động từ Tunisia (di tản từ Libya) đã về đến Nội Bài. Như vậy, tính đến hết ngày 9-3, đã có 8.700 người lao động về Việt Nam bằng đường hàng không.
Ngoài ra, sáng ngày 3-3 từ cảng Benghazi, Libya có 1.121 người lao động đang về Việt Nam theo đường thủy. Theo kế hoạch, tàu sẽ cập cảng Hải Phòng ngày 21-3 tới. Số còn lại gồm 292 lao động đã sang Algeria và 67 lao động sang Ai Cập đang được bố trí đưa về nước trong vài ngày tới. So với các nước khác trong khu vực, Việt Nam là quốc gia đầu tiên và tích cực nhất trong việc hoàn thành công tác di tản công dân của mình ra khỏi Libya.
Tại buổi đón người lao động tại sân bay Nội Bài sáng 9-3, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân đã vui mừng thông báo: Tập đoàn Khang Thông, chủ đầu tư dự án Happy Land đã nhận lời tiếp nhận toàn bộ 10.000 lao động Việt Nam về từ Libya vào làm việc cho dự án, chủ dự án có thể bảo lãnh cả khoản vay nợ của những lao động này để người lao động có thể yên tâm làm việc. Đây là dự án có vốn đầu tư 2 tỷ USD, dự kiến đưa vào khai thác năm 2014 nên thu hút rất nhiều lao động, nhất là lao động ngành nghề xây dựng. Ngoài ra, cũng theo tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Tổng Công ty Viglacera đã đăng ký tuyển khoảng 1.000 người từ số lao động này vào làm việc tại các công ty thành viên của tổng công ty; Công ty cổ phần Công nghiệp xây dựng Toàn Phát (Topaco) có trụ sở tại Đống Đa - Hà Nội đã có văn bản đề nghị tiếp nhận khoảng 40 kỹ sư, công nhân kỹ thuật trở về từ Libya với mức thu nhập từ 350 đến 1.000 USD mỗi tháng và 350 thợ xây dựng, thợ hàn, mức lương mỗi tháng là 200-250 USD.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Bộ LĐ-TB&XH sẽ phổ biến cho tất cả lao động trở về từ Libya và có trách nhiệm giới thiệu cho chủ lao động trong nước. Những ai không muốn làm việc cho dự án này thì sẽ được giới thiệu làm việc cho các doanh nghiệp trong nước hoặc chờ để đưa đi làm việc tại một thị trường khác. Đối với việc hỗ trợ lao động từ Libya về nước, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu áp dụng theo chính sách hiện hành dựa trên quan điểm là không để các lao động chịu thiệt thòi.
* Cũng trong chiều 9-3, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, Sở LĐ-TB&XH đã đề xuất và đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận hỗ trợ người lao động trở về từ Libya. Hà Nội có 946 lao động phải về nước, thành phố Hà Nội sẽ trích từ ngân sách hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng. Những người có nhu cầu việc làm trong nước thì đăng ký tại các trung tâm giới thiệu việc làm của Hà Nội. Người có nhu cầu học nghề đăng ký trực tiếp với Sở LĐ-TB&XH. Thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị các ngân hàng cho người lao động vay tiền để đi lao động tại Libya được giãn nợ, tối đa trong 24 tháng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.