Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo bước đột phá mới

Nguyễn Mai| 10/08/2018 06:43

(HNM) - Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, diện mạo nông thôn Hà Nội có nhiều đổi thay theo hướng đi lên...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có nhiều đổi thay theo hướng đi lên nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống. Ảnh: Viết Mạnh


25.035 tỷ đồng đầu tư cho nông thôn mới

Nam Sơn là xã nghèo của huyện Sóc Sơn, nhưng bằng nhiều nỗ lực, cách đây 1 năm, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, sạch đẹp hơn. Bà Nguyễn Thị Tâm, một người dân thôn Hoa Sơn cho hay: Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà xã Nam Sơn đã được đầu tư đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khang trang như hôm nay. Cũng từ những công việc ấy, người dân ở đây gắn bó với nhau hơn để bàn những việc chung của làng, xóm như: Hiến đất làm đường, bảo vệ môi trường...

Không riêng xã Nam Sơn, sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bà Hoàng Thị Huyền, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách - Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết, thành phố đã có 294 xã và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 123 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, 115 mô hình liên kết trong sản xuất. Đặc biệt, thành phố đã huy động được hơn 25.035 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới... Đây là nhân tố quan trọng để nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng hàng hóa, nông nghiệp sạch, giá trị cao…

"Dù còn 2 năm nữa mới kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, nhưng Hà Nội đã có nhiều chỉ tiêu tiệm cận, đạt và vượt so với kế hoạch. Cụ thể, mục tiêu chương trình đặt ra vào năm 2020, Hà Nội có 80% số xã và có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thì hiện Hà Nội đã có 76,1% tổng số xã và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Mỗi xã cũng đạt bình quân 18,19 tiêu chí, cao hơn yêu cầu...", bà Hoàng Thị Huyền thông tin thêm.

Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, kinh nghiệm hay. Ví như xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) đã tuyên truyền, vận động người dân trồng hoa và cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Quang Hòa nhẩm tính, trong thời gian xây dựng nông thôn mới, nhân dân xã Nam Sơn đã hiến 7.000m2 đất thổ cư để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; trồng được 10km đường hoa và cây xanh bằng nguồn vốn xã hội hóa...

Còn tại Đan Phượng, để xây dựng nông thôn mới, huyện đã chỉ đạo các xã hoàn thành việc đặt tên đường, gắn 38.900 biển số nhà và 3.806 biển chỉ dẫn công cộng; hình thành các con đường bích họa; trồng hoa, cây xanh trên 24,79km đường giao thông... Những việc làm này đã kiến tạo diện mạo mới cho làng quê, mang nhiều ích lợi cho cuộc sống của người dân.

Tiến đến mục tiêu 10 huyện đạt chuẩn

Con đường bích họa mang lại vẻ đẹp mới cho xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Sơn Tùng


Dù đã đạt kết quả tích cực, nhưng quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội không phải không còn những hạn chế cần khắc phục. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, đó là kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều. Trong khi một số huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn như: Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì..., thì vẫn còn một số huyện đạt kết quả thấp như: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa... Hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nông thôn (gồm cả nước sạch) cũng chưa được đầu tư đồng đều giữa các địa phương, nhất là đối với những vùng xa trung tâm…

Lý giải nguyên nhân kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn thấp, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, thiếu vốn đầu tư đang là cản trở không nhỏ, nhất là với các huyện thuần nông. Ông Hoạt nêu ví dụ, thu ngân sách hằng năm của Mỹ Đức rất thấp, trong khi việc đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới lại khó khăn do nhu cầu thị trường không lớn. Vì vậy, rất cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho địa phương khó khăn, xa trung tâm, để có thể tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế, huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, sản xuất nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội vẫn chưa thực sự bền vững cho dù thành phố đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư. Câu chuyện "được mùa mất giá" hay ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh vẫn xảy ra ở nhiều nơi. "Chúng tôi mong thành phố có chính sách hỗ trợ, kết nối nông dân với các nhà đầu tư để xây dựng hệ thống sơ chế bảo quản nông sản sau thu hoạch; khuyến khích phát triển mô hình cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, quy mô lớn; tổ chức chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm" - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành, xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) Đinh Văn Phích chia sẻ.

Mặc dù còn không ít khó khăn, song Hà Nội vẫn quyết tâm đặt mục tiêu đến năm 2020 có 89,9% số xã trở lên và 10 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới… Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố đang tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị. Đi kèm với đó, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng xã nông thôn mới; chủ động có những điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tiễn địa phương... Trước mắt, thành phố đang tập trung chỉ đạo 4 huyện: Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất triển khai các tiêu chí huyện nông thôn mới trong năm 2018. Thành phố cũng yêu cầu các địa phương phải chủ động đẩy mạnh xã hội hóa để có thêm nguồn lực và vận động các quận tiếp tục hỗ trợ các huyện trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là với các địa phương phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới từ nay đến năm 2020, nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn.

"Liên quan đến sản xuất, các địa phương đang rà soát quy hoạch nông thôn mới, làm rõ quy hoạch vùng sản xuất với định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi liên kết để gia tăng giá trị hàng hóa" - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay.

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế; đồng thời, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân Thủ đô trong xây dựng nông thôn mới nhằm đưa Chương trình sớm “về đích”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo bước đột phá mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.