Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng viện phí: Chất lượng điều trị có tăng?

Hải Hà| 22/02/2012 06:56

(HNM) - Sau 7 lần đề nghị điều chỉnh viện phí trong khoảng 10 năm, có thể từ tháng 3 tới, các bệnh viện (BV) sẽ được áp dụng mức viện phí mới trên 400 dịch vụ (chiếm khoảng 13% tổng số dịch vụ y tế đang được cung cấp).

Làm thủ tục cho người dân tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.Ảnh: Khánh Nguyên


Sẽ vẫn quá tải!

Trao đổi với báo giới gần đây, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Phạm Lương Sơn cho rằng, viện phí tăng vẫn không giải quyết được vấn đề quá tải bệnh viện, bởi quá tải là câu chuyện của thiếu giường bệnh, thiếu BV, yếu kém về năng lực chuyên môn của tuyến dưới. Viện phí tăng nhưng chắc chắn thời gian tới, tình trạng 2-3 người bệnh nằm chung 1 giường tại các cơ sở y tế tuyến TƯ, BV chuyên khoa đầu ngành tim mạch, ung bướu, sản, nhi… chưa thể chấm dứt.

Theo ông Phạm Lương Sơn, vì lý do này, viện phí mới đã tính đến việc thu 50% phí với các giường ghép đôi, 30% với các giường nằm 3 bệnh nhân, chỉ chưa tính đến giường nằm ghép 4. Tuy cách tính viện phí đã rõ ràng hơn, nhưng chất lượng điều trị chắc chắn sẽ không tăng theo giá giường/ngày mới dự kiến sẽ áp dụng từ tháng 3-2012 theo tinh thần văn bản của Thủ tướng Chính phủ, hoặc là từ tháng 5 theo trả lời của lãnh đạo Bộ Y tế với báo giới.

Được nâng mức thu nhưng khối BV chưa hẳn đã hài lòng, mặc dù so với 6 lần xây dựng dự thảo khung viện phí trước đây, dự thảo này có sự đồng thuận của cả khối khám, chữa bệnh, cơ quan quản lý và cơ quan bảo hiểm. Theo một đại diện BV tuyến TƯ, các giường nằm ghép tính phí như vậy là chưa phù hợp, bởi 2-3 người bệnh không thể mặc chung một bộ quần áo để mà tính bằng 50% hay 30% giường bệnh có một người dùng. Chưa kể các chi phí điện nước, người nhà, người thăm nuôi… đều cao hơn những khu vực không nằm ghép. Tuy nhiên, theo quan điểm của Ban soạn thảo, quy định này là để giảm tình trạng nằm ghép tại các BV TƯ, tỉnh, chuyên khoa đầu ngành, bởi trên thực tế có nhiều nơi "thích" quá tải để tăng nguồn thu.

Có còn vượt rào?

Rất khó khăn để dự thảo tăng viện phí này đạt được sự đồng thuận của các cấp, các ngành, nên trong cuộc trao đổi mới đây với báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra rất thận trọng khi cho biết về "lộ trình" tiếp theo của viện phí. Do 17 năm nay chưa dịch vụ nào được tăng giá, nên sau điều chỉnh giá 400 dịch vụ lần này, ngành y tế chưa tính đến thời điểm tiếp tục điều chỉnh viện phí. Mặc dầu vậy, từ số dịch vụ phải điều chỉnh giảm giá lần này, tuy chỉ là con số 7 trong tổng số 400 dịch vụ, cũng có thể thấy, mức thu hiện hành hiện cũng chưa chuẩn xác. Đây chủ yếu là những kỹ thuật sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến và đang được các BV "xã hội hóa", điển hình là chụp CT Scaner. Trước đây, với kỹ thuật này nếu chụp có thuốc cản quang, mức chi trả của Bảo hiểm y tế cao nhất lên đến 1 triệu đồng nay giảm còn 800.000 đồng; chụp CT không thuốc cản quang, từ tối đa 800.000 đồng giảm còn 500.000 đồng. Chưa kể, nếu so sánh theo số tương đối, 400 dịch vụ được điều chỉnh giá lần này mới chỉ chiếm khoảng 13% tổng số dịch vụ đang được ngành y tế cung cấp, vậy trong 87% số dịch vụ còn lại, có bao nhiêu dịch vụ có giá cao cần phải giảm?

Một vấn đề nữa đang được dư luận quan tâm là hiện có một số BV đã "vượt rào", liệu sau khi quy định mới được chính thức thực hiện, giá khám bệnh ở những nơi này có điều chỉnh giảm? Ví dụ, tại BV Bạch Mai, giá khám thông thường hiện đã là 30.000 đồng/lần, mức 3.000 đồng/lần trên thực tế chỉ áp dụng cho việc thanh toán giữa cơ quan bảo hiểm và BV. Nay, theo quy định mới, BV hạng đặc biệt như Bạch Mai chỉ được thu 20.000 đồng/lượt thì BV có giảm giá khám hay không?

Tình trạng thu phí thêm, thu phí 2 lần hiện cũng khá phổ biến tại các BV. Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ( Bảo hiểm xã hội Việt Nam), tại một số cơ sở y tế có tình trạng đưa chi phí thường xuyên vốn không có trong cơ cấu giá vào viện phí, thậm chí đưa trước tỷ lệ trượt giá hàng năm vào viện phí. Đánh vào tâm lý người bệnh, người nhà bệnh nhân lo cho tính mạng, sức khỏe nên sẵn sàng chi trả mọi khoản mà BV yêu cầu, nên nhiều chi phí đã được bảo hiểm chi trả, nhưng BV vẫn yêu cầu bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân tự mua để dùng trong điều trị.

Để hạn chế tình trạng này, theo ông Phạm Lương Sơn, khi áp dụng viện phí mới, người dân có thể thông báo cho cơ quan truyền thông hoặc giám định viên bảo hiểm xã hội thường trực tại các BV về hiện tượng thu viện phí quá khung quy định hay những yêu cầu của BV đối với người bệnh như phải tự mua thuốc, dịch truyền, vật tư y tế đã thuộc danh mục bảo hiểm chi trả. So với các nước trong khu vực, danh mục thuốc, thiết bị y tế do bảo hiểm y tế chi trả ở nước ta khá rộng, đặc biệt là danh mục thuốc với trên 20 ngàn loại. Người bệnh sẽ không được hưởng sự ưu việt này nếu các cơ sở y tế không thực hiện đúng quy định của ngành. Đại diện cơ quan bảo hiểm cho biết, dự kiến năm 2012, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ áp dụng giải pháp "giám định tỷ lệ" theo hướng giám định bất kỳ hồ sơ bệnh án nào của BV để đánh giá khách quan hơn tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm, từ đó có giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ người bệnh có thẻ bảo hiểm và tránh tình trạng vỡ quỹ nếu năm 2014 thực hiện được bảo hiểm y tế toàn dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng viện phí: Chất lượng điều trị có tăng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.