Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng viện phí, cần tăng cả chất lượng khám, chữa bệnh

Bảo Nga| 22/04/2011 06:58

(HNM) - Thông tin chuẩn bị tăng viện phí trong thời điểm xăng, dầu, điện và hàng loạt hàng hóa, dịch vụ đều đồng loạt tăng giá, khiến người dân, nhất là bệnh nhân nghèo lo lắng. Liệu tăng viện phí có hạn chế được tiêu cực và tăng chất lượng khám, chữa bệnh? Đó là những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Chăm sóc và điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện GTVT. Ảnh: Hữu Oai

Ông Lê Minh Hoàn (Phó Giám đốc BHXH quận Ba Đình):
Cần cân nhắc kỹ vì ảnh hưởng nhiều đối tượng xã hội

Chưa biết Bộ Y tế sẽ tăng bao nhiêu dịch vụ trong danh mục viện phí, nhưng nếu viện phí tăng từ 7 - 10% như dự thảo, theo tính toán, mức đóng của người tham gia BHYT sẽ tăng thêm khoảng 30%. Viện phí tăng sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội, trực tiếp là mức chi trả của BHYT sẽ tăng cao hơn và để bảo đảm an toàn của quỹ BHYT, ngành BHXH buộc phải tăng mức đóng BHYT của người dân.

Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình):
Thêm khó khăn cho bệnh nhân nghèo

Hơn một tuần nay, kể từ khi em trai điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, gia đình tôi phải cắt cử người chăm sóc. Chúng tôi chỉ dám ăn suất cơm đạm bạc, kham khổ và mang theo giường gấp ngủ ở hành lang bệnh viện. Tính sơ qua, chúng tôi đã phải nộp hơn 10 triệu đồng tiền viện phí. Để có đủ tiền, gia đình tôi đã bán hết lợn, gà và vay mượn thêm của người thân. Nếu viện phí tăng, chắc chắn tiền thuốc men, dịch vụ sinh hoạt, ăn uống... cũng tăng theo. Những ngày ở đây, tôi đã chứng kiến không ít bệnh nhân nằng nặc đòi người nhà đưa về, bởi điều trị quá tốn kém, hoàn cảnh gia đình lại quá khó khăn. Nói chung, gia đình nào có điều kiện còn đỡ, chứ với bệnh nhân nghèo như chúng tôi, viện phí tăng quả là một gánh nặng rất lớn.

Ông Trịnh Đình Phong (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên):
Lý do tăng viện phí chưa thuyết phục

Trên thực tế, mức viện phí đã được các bệnh viện tự điều chỉnh tăng từ nhiều năm nay. Hiện tại không còn bệnh viện nào thu mức giá 2.000 - 3.000 đồng/lần khám bệnh hay 12.000 - 18.000 đồng/ngày /giường bệnh đối với bệnh viện hạng 1... như quy định cũ. Viện phí tại các bệnh viện hiện nay đều thu cao hơn từ 10-20 lần so với khung viện phí được quy định. Nếu đặt mục tiêu tăng viện phí để hạn chế bớt tiêu cực, tăng chất lượng khám chữa bệnh, góp phần cải thiện y đức... là điều không khả thi. Rõ ràng ở góc độ quản lý, việc không tính đúng, tính đủ viện phí sẽ làm nảy sinh tình trạng mất cân đối thu chi kéo dài trong ngành y tế, làm chậm sự phát triển của nền y tế nước nhà, không đủ nguồn lực để tái đầu tư cho y tế và phát triển mạnh các kỹ thuật cao… Song, ai dám bảo đảm sau khi tăng viện phí, người bệnh sẽ được hưởng chất lượng khám, chữa bệnh tốt hơn, các y, bác sĩ sẽ chăm sóc người bệnh tận tình hơn và nạn tiêu cực phong bao, phong bì sẽ giảm? Người bệnh có thoát cảnh nằm ghép giường, nằm ngoài hành lang?... Theo tôi, mức tăng viện phí cần phải được thực hiện tịnh tiến theo mức lương, thu nhập bình quân của dân cư, sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Bà Hoàng Lan Anh (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy):
Phải có lộ trình cụ thể và mức tăng hợp lý

Trong giai đoạn kinh tế suy thoái và lạm phát tăng cao như hiện nay, chi phí đầu vào cho công tác khám, chữa bệnh cũng tăng, do đó việc tăng viện phí là điều dễ hiểu. Nhưng việc tăng phải có lộ trình để không ảnh hưởng quá lớn đến mức sống của người dân. Bộ Y tế cần nghiên cứu xem tăng viện phí ở mức nào, vào thời điểm nào là phù hợp? Tăng đồng loạt hay chỉ áp dụng trước cho một số dịch vụ?... Hệ số tăng viện phí giữa các cơ sở y tế trung ương và địa phương, giữa các đô thị lớn và vùng nông thôn, miền núi cũng cần được tính toán cho phù hợp. Tăng viện phí là cần thiết, nhưng điều cần hơn cả là tăng chất lượng dịch vụ một cách toàn diện và có trợ cấp cho người nghèo. Bởi thực tế, khi viện phí chưa tăng, nhiều người bệnh đã không đủ khả năng chi trả, vậy khi tăng thêm hàng chục lần, sẽ có bao nhiêu người mất cơ hội được chăm sóc sức khỏe?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng viện phí, cần tăng cả chất lượng khám, chữa bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.