Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng trưởng xanh - lựa chọn tất yếu

Hồng Sơn| 28/03/2023 06:07

(HNM) - Để tiến tới thịnh vượng, Việt Nam xác định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững kết hợp bảo vệ môi trường. Trong đó, có một lựa chọn tất yếu để hiện thực hóa, lại mang tính thời đại và phù hợp quy luật phát triển là chủ động đẩy mạnh tăng trưởng xanh trên diện rộng.

Dây chuyền sản xuất ô tô điện tại Khu phức hợp Nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast (thành phố Hải Phòng). Ảnh: Bá Hùng

Nhận diện thực tế, xác định mục tiêu

Con đường triển khai tăng trưởng xanh rộng rãi là vấn đề khó khăn, phức tạp. 

Xét từ cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng tham gia trực tiếp vào quá trình này, mức độ hiểu biết liên quan đến môi trường mới ở giai đoạn đầu. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định môi trường còn thấp. Chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân cho biết hiểu rõ các quy định môi trường, nhưng có đến 68% doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, mức độ tuân thủ quy định về môi trường chưa cao. Nhiều doanh nghiệp không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường trong khi các quy định môi trường còn phức tạp, chưa dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ cao. Đặc biệt, đầu tư cho sản xuất xanh, vận hành, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường cần lượng vốn lớn khiến năng lực cạnh tranh ngắn hạn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Có 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ quy định môi trường. Thêm vào đó, đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, thực hành sản xuất xanh nhìn chung mới ở bước khởi đầu. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất công nghiệp, vận tải, xây dựng... áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

“Rõ ràng, để Việt Nam vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải đồng hành, cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh, bền vững”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng xác nhận, tăng trưởng xanh, bền vững hiện là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mọi quốc gia đang hướng tới. Với Việt Nam, tăng trưởng xanh là lựa chọn tất yếu, là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế của thế giới. Việt Nam xác định, tăng trưởng xanh dựa vào khoa học, đổi mới sáng tạo, tận dụng công nghệ mới, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tạo cơ chế phù hợp để huy động và sử dụng các nguồn lực, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển kinh tế xanh; ứng dụng các loại hình năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, giảm phát thải và tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung vào mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đoàn doanh nghiệp Mỹ làm việc với các cơ quan của Việt Nam về lĩnh vực viễn thông, hàng không, bán dẫn, tài chính, ngày 21-3. Ảnh: Đức Minh

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn. Nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

VCCI và cộng đồng doanh nghiệp cũng đưa ra một số kiến nghị. Đó là, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững; nâng cao tính khả thi của quy định, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Thể chế, chính sách về tăng trưởng xanh bao gồm cả chính sách khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch. Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và các giải pháp cụ thể để huy động sự tham gia của doanh nghiệp, ưu đãi dự án tiềm năng và đang hoạt động chuyển đổi sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường.

Giám đốc Nghiên cứu phát triển Tập đoàn PAN Nguyễn Trung Anh cho rằng, tầm nhìn và sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo là yếu tố quan trọng hàng đầu để doanh nghiệp tập trung phát triển bền vững. Ngoài ra, cần có đối tác sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp. Trong khi đó, đại diện Ngân hàng HSBC khẳng định có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp “chuyển đổi xanh”, ưu tiên những đơn vị có phương án khả thi. Ngân hàng cam kết thu xếp vốn cho các dự án phát triển bền vững tại Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhà nước chỉ có thể đáp ứng 30% nguồn lực cho tăng trưởng xanh. Do đó, cơ chế để thúc đẩy các tổ chức tài chính trong và ngoài nước cũng như tư nhân tham gia vào mục tiêu tăng trưởng xanh là vấn đề cốt yếu. Liên quan đến đa dạng hóa nguồn lực, một phái đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, gồm 50 tập đoàn, công ty nổi tiếng về công nghệ, có tôn chỉ sản xuất xanh như Boeing, Meta, CitiBank…, vốn được ví như “đại bàng” trong lĩnh vực viễn thông, hàng không, bán dẫn, tài chính, vừa kết thúc chuyến đi tìm hiểu cơ hội sản xuất tại Việt Nam. Nếu một số dự án mới của các tập đoàn trên được triển khai thì đó sẽ là minh chứng cho thành công mới trong thu hút nguồn lực cũng như đánh dấu giai đoạn mới trong hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng xanh của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng xanh - lựa chọn tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.