Kinh tế

Tăng trưởng tích cực trong bối cảnh bất lợi

Hồng Sơn 01/01/2024 - 07:16

Năm 2023 vừa qua là chuỗi ngày khó khăn, đầy thách thức, dẫn đến sự trầm lắng, suy thoái trên diện rộng của đời sống kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh bất lợi đó, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng khá tích cực, đứng trong số rất ít quốc gia tăng trưởng cao hàng đầu. Đó là hành trang đáng ghi nhận để nền kinh tế Việt Nam phát huy, hướng tới kết quả khả quan hơn trong 365 ngày tới…

fdi.jpg

Một năm vượt khó

Tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đạt mức 3,1%, tức là được điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5-2023. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, dù đã rất nỗ lực nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu chững lại. Nói như giới chuyên gia, năm 2023 chứng kiến sự u ám trên bầu trời kinh tế toàn cầu, đẩy hầu hết các quốc gia, khu vực vào tình thế đầy bất ổn.

Nguyên nhân được nhận diện là vòng xoáy xung đột, sự suy giảm mức cầu, lạm phát, lãi suất cao và mất cân đối, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và sự “đỏng đảnh” trong diễn biến thị trường, giá cả nguyên, nhiên liệu. Rõ ràng, những yếu tố, thực tế trên gây ảnh hưởng rất tiêu cực và tức thì đối với Việt Nam, khi nước ta là nền kinh tế có độ mở rất lớn…

Tuy nhiên, Việt Nam đã để lại dấu ấn khá ấn tượng của sự vượt khó. Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05% so với năm trước. Có được kết quả này, công đầu thuộc về cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã chủ động, đối phó hiệu quả hơn trước những “cơn gió ngược” đầy thách thức, bất ổn do sự eo hẹp về đơn hàng, cơ hội kinh doanh, giá cả đầu vào biến động, mức độ cạnh tranh gay gắt…

Kinh tế Việt Nam đã từng bước phục hồi, dù chưa thể gọi là “bứt tốc” nhưng cho thấy rõ sự cải thiện và có sức thuyết phục khi tăng trưởng GDP gia tăng qua từng quý. Cụ thể, GDP quý IV-2023 tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 cũng như 2020-2022 và có xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%). Sự tăng trưởng khá như vậy đã tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, duy trì sự ổn định cũng như đời sống dân sinh. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kinh tế nước ta năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đã đạt được mục tiêu đề ra và Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Những đánh giá của cộng đồng quốc tế cũng cho thấy sự xác nhận một cách công bằng, chính xác đối với kết quả ấn tượng của kinh tế Việt Nam. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với nhiều nền kinh tế có độ mở lớn. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Năm 2024 tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 5,5% và tín hiệu phục hồi kinh tế của Việt Nam rõ rệt hơn từ giai đoạn cuối năm vừa qua.

Song, cũng cần thừa nhận những hạn chế ở một số lĩnh vực quan trọng trong tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP năm 2023 vừa qua. Đơn cử, các ngành công nghiệp và xuất khẩu đều không đạt kết quả như mong muốn, không thể hiện được vai trò động lực của tăng trưởng. Trong đó, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước - là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023 và đóng góp 1 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt hơn 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022 vì sự co hẹp của thị trường quốc tế, dẫn đến thiếu đơn hàng.

Bù lại, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020, 2021. Bên cạnh đó, kết quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài thật sự khởi sắc, chính là thực tế đảo chiều ngoạn mục khi so sánh với việc hầu hết các quốc gia khác thiếu hụt nguồn đầu tư “ngoại”. Bản thân con số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước đã thay lời xác nhận rằng lĩnh vực này là điểm sáng của năm kế hoạch 2023 vừa qua.

Chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ còn thấp hơn năm 2023. Dự báo này chủ yếu dựa trên thực tế về những hậu quả, tác hại nhiều mặt của suy thoái ngày càng “ngấm” sâu vào đời sống kinh tế thế giới và chưa thể được đối phó, phục hồi nhanh trong một sớm, một chiều. Tình trạng lạm phát, lãi suất cao, vấn đề mất việc làm, giảm thu nhập của người tiêu dùng tại hầu hết các nền kinh tế lớn, có vai trò động lực và lan tỏa như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc… sẽ còn tiếp diễn, gây ra sự suy giảm mạnh về sức cầu. Đơn cử, OECD nhận định dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm xuống mức 1,5% trong năm 2024, thay vì tăng 2,4% trong năm 2023 vừa qua...

Thêm vào đó, tiềm lực tài chính và năng lực công nghệ của nhiều doanh nghiệp còn eo hẹp, thậm chí đã tới hạn trong khi tiêu chuẩn sản xuất của các đơn hàng xuất khẩu ngày càng khắt khe, với yêu cầu cao hơn về chất lượng cũng như áp dụng tiêu chí sản xuất xanh, thân thiện với môi trường…

Còn theo nhận định tổng quan của Tổng cục Thống kê, bước sang năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất khó đoán định do kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn. Ngoài ra, một số yếu tố đột ngột về kinh tế, chính trị, quân sự; thiên tai, dịch bệnh có thể xuất hiện.

“Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là thách thức rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Tổng cục Thống kê đề xuất.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu vẫn đứng trước nhiều bất lợi, tiêu thụ sản phẩm khó khăn thì càng cần quan tâm, quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công - một động lực quan trọng của tăng trưởng. Liên quan đến yêu cầu này, năm 2024 cũng là thời gian cả nước khởi công hàng loạt dự án mới, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiều dự án, công trình hạ tầng (chủ yếu là giao thông đường bộ) đang triển khai. Đó sẽ là nguồn dư địa thuận lợi cho việc nâng cao tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực này vào tăng trưởng GDP cũng như bù đắp cho sự hạn chế của những lĩnh vực khác có thể rơi vào trầm lắng. Đối với nước ta, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%. Giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài nhà nước, góp phần kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất Chính phủ chú trọng các giải pháp như thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh chính sách khuyến mại và giảm giá hàng tiêu dùng; thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, trong năm 2024, cũng cần tiếp tục khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng, an toàn và giàu sức cạnh tranh. Chính phủ, các địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ với quyết định giảm thuế, các nghĩa vụ của doanh nghiệp đã và đang được thực thi hiệu quả. Các yếu tố này đã, đang tác động tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư dự án mới cũng như mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng tích cực trong bối cảnh bất lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.