Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tốc tự đánh giá phòng, chống dịch, cập nhật lên bản đồ

Theo Đình Nam/Chinhphu.vn| 31/12/2020 19:16

Chiều 31-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, nghe báo cáo về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch bệnh trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông vận tải, công thương, du lịch…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày cuối cùng của năm 2020. Ảnh: VGP/Đình Nam

Nắm rõ từng người thuộc diện cách ly, theo dõi y tế

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và một số nước trong khu vực, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, phải tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh. Báo cáo của các địa phương cho thấy, công tác cách ly tập trung đã được chấn chỉnh. Mặc dù các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương đã được thông báo danh sách người hoàn thành cách ly tập trung để thực hiện theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú nhưng có lúc, có nơi làm chưa tốt.

Các công cụ, phương tiện kết nối công nghệ để kiểm tra từ xa đối với chính quyền cơ sở (nòng cốt là công an, y tế) trong thực hiện theo dõi, giám sát y tế người đã hoàn thành cách ly tập trung chưa được thông suốt.

Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện các công cụ để phục vụ công tác theo dõi, giám sát y tế trực tiếp trên địa bàn cũng như kiểm tra từ xa của Ban Chỉ đạo. Yêu cầu đặt ra là ở bất kỳ thời điểm nào, Ban Chỉ đạo cũng như các địa phương cũng có thể tra cứu để nắm được trên địa bàn đã có bao nhiêu người thuộc diện cách ly tập trung, hay theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú.

Không vì ngại cách ly mà gây nguy hiểm cho cộng đồng

Đối với đối tượng nhập cảnh bất hợp pháp, các ý kiến cho rằng, do dịch bệnh ở một số nước trong khu vực diễn biến phức tạp, đường biên giới của Việt Nam rất dài, nên dù các lực lượng biên phòng, công an cửa khẩu đã căng mình chốt chặn hơn một năm qua, nhưng hằng ngày vẫn có những trường hợp nhập cảnh trái phép.

Qua phân tích, Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định, có hai loại đối tượng nhập cảnh trái phép. Thứ nhất là người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, thường theo các đường dây có tổ chức. Chúng ta phải tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các đối tượng, đường dây tổ chức nhập cảnh trái phép.

Thứ hai là người Việt Nam nhập cảnh trái phép nhưng sợ, ngại cách ly, chưa nhận thức hết được sự nguy hiểm dịch bệnh. Vì vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả các địa phương, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền đến mọi gia đình những người có người thân ở nước ngoài, nếu có nhu cầu về nước phải theo con đường chính thống, hợp pháp, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly. Không thể vì ngại cách ly mà gây nguy hiểm cho cộng đồng và cả đất nước.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an cho biết, phần lớn các gia đình có người nhà ở nước ngoài đều có giữ liên hệ, liên lạc. Do đó, việc tuyên truyền, vận động từ trong nước là rất quan trọng, nếu làm tốt thì sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. Ngược lại, những gia đình có người thân ở nước ngoài không phối hợp, làm tốt thì cũng gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đối với công tác phòng, chống dịch ở trong nước.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Nơi đông người phải thực hiện rất nghiêm

Về các biện pháp phòng, chống dịch ở trong nước, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, trong dịp lễ, Tết cuối năm, nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân rất lớn. Chúng ta phải hết sức nỗ lực để giữ an toàn, đặc biệt là đẩy nhanh việc thực hiện việc rà soát, tự đánh giá các biện pháp phòng, chống dịch và cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn), trước hết là các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, khẩn trương chuẩn bị để mở rộng ra các chợ, siêu thị, phương tiện giao thông công cộng, nhà máy, xí nghiệp…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, Bộ đã yêu cầu rất nghiêm, đôn đốc các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo từng phòng giáo dục và đào tạo, từng trường học để thực hiện, đến nay đã đạt 81%. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đôn đốc, kiểm tra nên tỷ lệ đạt rất thấp.

Lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo, đến nay tất cả các bệnh viện đã tự đánh giá định kỳ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và cập nhật thông tin, nhưng mới có khoảng 30% trong tổng số 25.000 trạm y tế cơ sở, phòng khám tư nhân triển khai. Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở từng cơ sở ngay trong những ngày đầu tháng 1-2021.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ chỉ quản lý được các khách sạn, còn các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, nhà nghỉ thì thuộc ngành Công an, song sự phối hợp giữa hai bộ, dù đã có tiến triển, vẫn chưa được thông suốt và tình trạng này ở các địa phương cũng vậy.

Còn Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải đang tích cực chuẩn bị và tiến tới sẽ triển khai việc tự đánh giá và cập nhật thông tin tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bến xe, các phương tiện vận tải hành khách (taxi, xe buýt đô thị, xe khách đường dài) và các nhà máy xí nghiệp.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ đã có hệ thống dữ liệu các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước, đã ban hành hướng dẫn phòng, chống dịch. Vấn đề hiện nay là cần có công cụ để các ban quản lý chợ, chủ siêu thị thực hiện rà soát, tự đánh giá các biện pháp phòng, chống dịch và cập nhật thông tin.

Các ý kiến cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phải vào cuộc mạnh hơn nữa, chỉ đạo sâu sát, nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên. Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tinh thần tất cả mọi nơi có đông người qua lại đều phải thực hiện rất nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật thông tin đầy đủ, thường xuyên lên bản đồ chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc tự đánh giá phòng, chống dịch, cập nhật lên bản đồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.