Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tốc triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông

Minh Bảo| 18/02/2023 06:46

(HNM) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 29/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc để tăng tốc triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông.

Thông báo nêu rõ: Thực tiễn quá trình triển khai các dự án thời gian qua đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm để tập trung chỉ đạo triển khai phù hợp hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Cụ thể, các bộ, ngành liên quan cần bám sát thực tiễn, xử lý nhanh chóng, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại phát sinh trong quá trình triển khai các dự án; tăng cường công tác quản lý thường xuyên, kiểm tra, đôn đốc và giám sát quá trình thực hiện, lấy kết quả sản phẩm cụ thể làm thước đo, đánh giá tổ chức, cá nhân.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải làm tốt, chịu trách nhiệm toàn diện về quy định pháp luật và trước cơ quan chủ quản.

Các địa phương phải chủ động, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, "ỷ lại" Trung ương; không đầu tư dàn trải; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào dứt điểm việc đó; tập trung đầu tư các đường kết nối với đường cao tốc tạo không gian phát triển mới (khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ, đô thị...).

Thủ tướng Chính phủ lưu ý quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể và có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc, không đầu tư cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe, gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng.

Tăng cường phân cấp cho địa phương, đi cùng phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi cho đội ngũ cán bộ theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước (trước đây các dự án do Trung ương, trực tiếp là Bộ Giao thông - Vận tải triển khai, nay phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền các dự án cao tốc nhằm phát huy tính chủ động, tính sát thực, nguồn lực của địa phương). UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thành đúng tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công; quán triệt các địa phương, hệ thống chính trị nâng cao tinh thần trách nhiệm, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; ưu tiên giải quyết các khu vực thuận lợi, khu vực phải xử lý nền đất yếu, xây dựng công trình quy mô lớn, phức tạp (cầu lớn, hầm...).

Quá trình thực hiện phải bảo đảm công khai, minh bạch, không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Đặc biệt, việc lựa chọn nhà thầu phải nghiêm túc, vô tư, trong sáng, công khai, minh bạch, rõ ràng tuân thủ quy định pháp luật, tuyệt đối không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; không chia nhỏ gói thầu.

Các bộ, cơ quan, ban, ngành và các đơn vị liên quan phải quán triệt 5 yêu cầu sau trong quá trình triển khai dự án. Thứ nhất, phải bảo đảm chất lượng. Thứ hai, phải bảo đảm tiến độ (trong đó công tác xây dựng kế hoạch phải bám sát yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, đồng thời phải sát thực tế, khả thi, không phải điều chỉnh đi, điều chỉnh lại). Thứ ba, phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường, sinh thái. Thứ tư, không được đội vốn bất hợp lý. Thứ năm, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm và đi đôi chăm lo đời sống, an sinh xã hội người lao động, nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.