(HNM) - Năm 2023, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng tốc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Với quyết tâm cao, ngành kỳ vọng sẽ thực hiện thành công những mục tiêu đề ra, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Là doanh nghiệp du lịch đường sông, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (Saigon Waterbus) Nguyễn Kim Toản cho biết, những ngày đầu năm 2023, lượng khách đi lại tăng cao trên tuyến buýt đường sông số 1 (từ quận 1 đến thành phố Thủ Đức) để tham quan thành phố Hồ Chí Minh và ngắm toàn cảnh sông Sài Gòn. “Với chiến lược bài bản của ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, hy vọng năm 2023 du lịch bằng đường thủy sẽ được nhiều du khách và người dân lựa chọn”, ông Toản bày tỏ.
Theo mục tiêu đề ra của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, ngành Du lịch thành phố kỳ vọng sẽ đón 5 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 160.000 tỷ đồng. Về chiến lược phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành Du lịch thành phố xác định có 3 nhóm sản phẩm du lịch, gồm: Du lịch đặc thù, du lịch chính và du lịch bổ trợ, nhằm bảo đảm sự đa dạng và sự khác biệt trong hệ thống sản phẩm du lịch của thành phố.
Góp ý cho ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh phát triển trong năm 2023, Giám đốc truyền thông và marketing, Công ty cổ phần dịch vụ Du lịch và thương mại TST (TSTtourist) Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, cần phát triển công tác quảng bá thương hiệu du lịch thành phố và hệ thống sản phẩm hướng đến mục tiêu thu hút khách lưu trú một đêm, trải nghiệm thành phố không ngủ và tham gia những điểm đến hấp dẫn tại các sự kiện quy mô trong nước và quốc tế...
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, năm 2023, Sở Du lịch sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố để thu hút khách trong và ngoài nước. Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City” nhằm giới thiệu hình ảnh thành phố sống động, đổi mới từng ngày. Đồng thời, các điểm đến của thành phố cũng tiếp tục được quảng bá trên kênh truyền thông quốc tế CNN và nhiều kênh khác. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch thành phố qua những hoạt động, như: Lễ hội Áo dài; chuỗi sự kiện du lịch, thể thao, âm nhạc và ẩm thực trong Tuần lễ du lịch thành phố Hồ Chí Minh diễn ra hằng năm.
Về sản phẩm mới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức hoàn thiện chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”. Đến thời điểm này, có hơn 60 sản phẩm, trong đó có 30 sản phẩm mới của 20/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức phục vụ du khách. Đáng chú ý, một trong những sản phẩm tạo điểm nhấn trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là sản phẩm du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh). Đây là sản phẩm khai thác hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, cùng với các giá trị tự nhiên khác như làng nghề truyền thống, bản sắc văn hóa của người dân bản địa, cộng đồng dân cư tại Thiềng Liềng…
Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp như cập nhật 366 tài nguyên du lịch trên ứng dụng du lịch thông minh thông qua các ứng dụng (app) du lịch, Google Earth, Google Map; ứng dụng công nghệ 3D trong tổ chức sự kiện, nâng cao năng lực truyền thông; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động du lịch…
Nhằm đạt mục tiêu về thu hút khách năm 2023, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện phục hồi, phát triển du lịch theo tinh thần chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, bảo đảm chất lượng, tăng trưởng xanh, bền vững. Mặt khác, chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo của thành phố với vai trò cửa ngõ quốc tế, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. “Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cần có những sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, đạt chất lượng và đẳng cấp; tăng cường quản lý điểm đến, bảo đảm an toàn tại khu, điểm du lịch, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế”, ông Khánh gợi mở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.