Góc nhìn

Tăng tốc ngay từ đầu năm

Gia Khánh 14/01/2024 - 06:45

Bước vào năm 2024, năm được coi là “bản lề” trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, nền kinh tế đã phải đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn. Trong năm 2023, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,05%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%, kinh tế vĩ mô bảo đảm, thu hút đầu tư nước ngoài tích cực… Việt Nam được coi là điểm sáng trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, năm 2023 cũng là năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng kinh tế đạt dưới mục tiêu bình quân chung của kế hoạch 5 năm (khoảng 6,5%-7%) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (khoảng 7%). GDP bình quân năm 2023 chỉ đạt 4.284 USD/người, cách khá xa mục tiêu 4.700-5.000 USD/người vào năm 2025.

Sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm nhưng còn chậm, chưa tạo được sự bứt tốc mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động xuất, nhập khẩu cũng phục hồi chậm do nhu cầu thị trường thế giới giảm, lạm phát vẫn ở mức cao và nhiều nước áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ. Đặc biệt, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn khá cao cho thấy cơ hội kinh doanh chưa rõ nét và hậu quả của đại dịch Covid-19 khá dai dẳng, mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về tình hình kinh doanh qua khảo sát hồi cuối năm 2023 đã tăng.

Nhận định về kinh tế năm 2024, các chuyên gia cho rằng, tiềm ẩn rủi ro từ môi trường kinh tế thế giới vẫn hiện hữu. Trong nước, thời cơ và thuận lợi đan xen, nhưng những động lực tăng trưởng truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng. Do đó, ít nhất trong nửa đầu năm tác động từ suy giảm kinh tế thế giới vẫn ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trước khi đón nhận dấu hiệu tích cực, khả quan.

Với ý nghĩa là năm quan trọng có tính chất “bản lề”, các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần phải nỗ lực, cố gắng hơn, tăng tốc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024. Trước hết, các cấp, ngành, địa phương phải tiếp tục tìm kiếm, làm mới các động lực tăng trưởng từ chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, khơi thông các nguồn lực xã hội…; kiến tạo cơ hội kinh doanh từ việc cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở; tập trung tháo gỡ các vướng mắc, “rào cản” doanh nghiệp đã được chỉ ra. Đó là bất cập về pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư, giảm thiểu điều kiện kinh doanh, giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa; tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp từ các kênh vốn khác nhau; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển doanh nghiệp…

Điều quan trọng hơn cả là các cấp, ngành phải coi tháo gỡ “rào cản” cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên, để tập trung chỉ đạo, thực hiện, cụ thể hóa chủ trương thành kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, thành kết quả tăng trưởng kinh tế.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, năm 2023 là năm vượt khó. Năm 2024, những nỗ lực, quyết tâm sẽ phải cao hơn nữa; tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các cấp ngành, tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do đem lại để chủ động khai thác thị trường xuất khẩu, bên cạnh việc khai thác thị trường trong nước để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Đó là chủ động liên kết tạo ra chuỗi cung ứng - lưu thông hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là dành đầu tư thích đáng cho phát triển bền vững, trong đó có công nghệ và quản trị tiên tiến thay vì làm ăn manh mún, nhỏ lẻ.

Tinh thần, ý chí, bản lĩnh Việt Nam đã giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách. Giờ là lúc tinh thần, ý chí, bản lĩnh đó tiếp thêm sức mạnh để cộng đồng doanh nghiệp bước vào năm 2024 với tâm thế mới, quyết tâm mới, nỗ lực cao hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc ngay từ đầu năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.