Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tính răn đe, giáo dục

Minh Thúy| 28/06/2011 07:05

(HNM) - Bộ Tư pháp vừa trình Chính phủ về dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 152 điều, trong đó phải kể đến hình thức xử phạt bổ sung: "Buộc lao động phục vụ cộng đồng" và "Buộc học tập các quy định pháp luật liên quan đến vi phạm" (Điều 27, 29).

Đây là hai biện pháp xử phạt áp dụng với người vi phạm hành chính (VPHC) trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… Sau khi các cơ quan truyền thông đại chúng thông tin, Báo Hànộimới đã nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự hưởng ứng cũng như những gì còn băn khoăn, trăn trở của bạn đọc về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Hà (Thanh tra Nhà nước thành phố Hà Nội):
Coi trọng công tác giáo dục

Tôi tán thành quy định "Buộc lao động phục vụ cộng đồng", vì đây là hình thức xử phạt VPHC mang tính giáo dục rất cao. Ngoài ra, luật cũng quy định rõ: "Nghiêm cấm buộc đối tượng bị áp dụng hình thức xử phạt này phải làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người đó". Điều này nhằm hướng đến sự răn đe, thể hiện được quan điểm của Nhà nước là coi trọng công tác giáo dục với người vi phạm. Tuy nhiên, nếu những văn bản hướng dẫn quy định đó không chặt chẽ, không dự liệu được hết các tình huống thì cũng có thể xảy ra những bất cập, thiếu tính thống nhất như thời gian từ khi ra quyết định xử phạt đến khi phải thực hiện việc buộc lao động phục vụ cộng đồng là bao lâu? Tính chất công việc phải làm với lỗi của hành vi vi phạm là thế nào…? Điều này đòi hỏi nhà làm luật phải bảo đảm được yếu tố công bằng và phải có người giám sát, đánh giá kết quả công việc...

Ông Nguyễn Văn Điện (học viên lớp Luật sư khóa 11, Học viện Tư pháp):
Cần tránh "bệnh" hình thức

Quy định này có ý nghĩa thiết thực đối với xã hội, nhất là đối với những người thường xuyên coi thường pháp luật, coi nhẹ việc xử phạt VPHC, vì mức phạt vi phạm bằng tiền hiện nay không quá cao và không quá nặng nề. Thay vì phải nộp phạt, nhiều kẻ cậy tiền sẽ phải làm những việc công ích và hình thức lao động này sẽ làm họ mất thể diện với những người xung quanh và là bài học đắt giá với chính họ. Tôi cho rằng, đó là cách làm khiến người vi phạm "ngấm" hơn, thấm thía hơn các quy định, từ đó hạn chế được sự ngông cuồng, thích "chơi trội" trong một bộ phận giới trẻ con nhà giàu. Bên cạnh đó, quy định "buộc phải học tập các quy định pháp luật liên quan đến vi phạm" cũng mang một ý nghĩa riêng, trong đó đề cao tính tuyên truyền, tăng tính phòng ngừa… Song theo tôi, quy định đó nếu không có chế tài tốt, đầy đủ thì dễ dẫn đến việc học tập qua loa hay đối phó. Mặt khác, việc tổ chức học tập và kiểm tra kết quả học tập của đối tượng xử phạt do "cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thi hành", như vậy đơn vị xử phạt lại "mua" thêm việc cho mình… Liệu có thể xảy ra trường hợp cán bộ có thẩm quyền sẽ bỏ qua hình thức xử phạt này để trốn việc? Do vậy, các cơ quan chuyên môn và cơ quan lập pháp phải tính toán kỹ lưỡng để những quy định đó không trở thành hình thức.

Ông Nguyễn Văn Dân (chủ doanh nghiệp tư nhân, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm):
Phải đề cao tính hiệu quả

Thực tế, những người bị xử phạt VPHC nếu tính riêng từng địa phương thì không nhiều, đặc biệt với lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trên thực tế chưa xử phạt được bao nhiêu… nếu áp dụng quy định "buộc học tập các quy định pháp luật liên quan đến vi phạm" thì hiệu quả liệu

có được như mong đợi hay không? Một cá nhân vi phạm cũng phải tổ chức học, một người dạy, một người học… liệu có học thật không? Kết quả kiểm tra có khách quan, có là thực hay chỉ là cho xong chuyện? Ý nghĩa của điều luật này rất cao, nếu người có thẩm quyền và người vi phạm đều làm thật, nhưng cơ chế nào để bảo đảm sự thật đó? Do đây chỉ là hình thức xử phạt bổ sung đi kèm với một hình thức xử phạt chính khác, tôi e rằng có sự "biến báo" của chính người thực thi và người bị xử phạt...

Ông Bùi Văn Huy (Công an phường Phú La, quận Hà Đông):
Đòi hỏi sự nghiêm túc của cơ quan công quyền

Đây là quy định đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, song các quốc gia đó thường có ý thức và mặt bằng chung về hiểu biết pháp luật khá cao, nên khi áp dụng ở nước ta thời gian đầu cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Bởi người vi phạm sẽ phải lao động phục vụ cộng đồng tại nơi cư trú nên rất cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa cơ quan ra quyết định xử lý vi phạm với địa phương nơi người vi phạm sinh sống. Nếu chúng ta thực hiện không tốt quy định này thì sẽ có hiện tượng "nhờn" luật, có khi còn phản tác dụng. Bên cạnh đó, lượng công việc hiện tại của ngành công an luôn "quá tải", nay lại phải tổ chức cho người VPHC bị tước chứng chỉ, giấy phép hành nghề trong lĩnh vực an toàn giao thông, an ninh và trật tự, an toàn xã hội… học lại quy định liên quan, thì quả là rất khó khăn. Điều đó đòi hỏi hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, các cơ quan chức năng phải "gồng mình" mới có thể xây dựng được nền pháp quyền vững chắc, phát huy được hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng tính răn đe, giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.